Theo Đài truyền hình vệ tinh Hồ Nam, bệnh nhi có triệu chứng sốt cao 40 độ C, kèm ho, tức ngực, khó thở, thường xuyên đau đầu dữ dội. Khả năng vận động của cậu cũng bị ảnh hưởng, khiến việc đi lại trở nên khó khăn và phải đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng tỉnh Hồ Nam.
Kết quả chụp X-quang cho thấy cậu bé có hơn 5.000 ký sinh trùng trong cơ thể, đã xâm lấn nhiều cơ quan như não và phổi. Chúng tạo thành các lỗ trên não, ngực, bụng, gây tổn thương vĩnh viễn.
Cha mẹ cậu bé cho biết trước đó, họ đã đưa con trai đi ăn cua sông sống. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi nhiễm sán paragonimzheim. Theo thông tin từ cơ quan y tế Hong Kong, paragonimzheim, hay Paragonimus Guarderi, là một loại sán chủ yếu ký sinh ở cua nước ngọt. Ký sinh thường xâm nhập vào cơ thể của những người ăn tôm, cua không nấu chín kỹ, chẳng hạn món "cua say rượu" đặc trưng của người Trung Quốc.
Các triệu chứng của nhiễm sán paragonimzheim thường biểu hiện sau hai đến 15 ngày. Ban đầu, người bệnh bị tiêu chảy và đau bụng, một số bệnh nhân ho khan, với dịch đờm có màu rỉ sét hoặc có máu. Vài ngày sau, họ có thể sốt, tức ngực và mệt mỏi. Các triệu chứng của paragonimzheim đôi khi giống với bệnh lao.
Theo Wu Hao, chuyên gia về gan và tiêu hóa tại Hong Kong, ở người nhiễm kỹ sinh trùng, cơ hội tự hồi phục rất thấp. Ký sinh sẽ tiếp tục sinh ra trứng và ấu trùng, xâm chiếm cơ thể, đồng thời ảnh hưởng sâu sắc đến các cơ quan.
Bộ Y tế Trung Quốc cảnh báo người dân không ăn thực phẩm sống, chưa qua chế biến để tránh tình trạng nhiễm giun, sán, ký sinh.
Cá là một trong những thực phẩm dễ nhiễm ký sinh trùng. Man Ka-man, giám đốc dự án nghiên cứu thực phẩm của Trung tâm Đổi mới, Công nghệ và An toàn Thực phẩm Hong Kong, cho biết các loại ký sinh xâm nhập vào cá thông qua môi trường sống và thức ăn.
Thục Linh (Theo Stheadline)