Hóa ra có kẻ lấy ảnh của vợ tôi trên mạng xã hội, dùng phần mềm tăng dung lượng ảnh lên rồi in khổ lớn mang đi triển lãm, thu tiền. Thật là trắng trợn.
Sự việc đáng xấu hổ này đã được các bên hữu quan giải quyết êm thấm trên tinh thần thiện chí, nộp phạt và gỡ ảnh xuống, không làm to chuyện kiện cáo. Tuy nhiên, mấy hôm sau vợ tôi lại phát hiện ảnh của mình được in trong một cuốn sách ảnh khổ lớn, dưới tên tác giả khác, cũng lại với thủ đoạn như trên.
Vợ tôi chắc chắn sẽ không phải là nạn nhân hiếm hoi trong thời đại này, khi công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, với sức mạnh dồn dập của mình đang khiến giới nghệ sĩ nhiếp ảnh chưa có cách gì để bảo vệ tài sản tinh thần trong tình hình mới.
Tác quyền trong lĩnh vực nhiếp ảnh ở Việt Nam đã trải qua những thăng trầm nào dưới tác động của khoa học công nghệ?
Những năm chiến tranh và bao cấp, chụp ảnh là điều rất hiếm hoi. Nhiều người chỉ được chụp ảnh khi kết hôn hoặc đi bộ đội. Ảnh chụp phim, rửa đen trắng, khổ giấy 3x4 hoặc 4x6, hiếm khi dám in khổ to hơn vì vật tư ảnh rất khan hiếm.
Ảnh của thời kỳ này rất chân thật. Kỹ xảo ảnh hầu như không có. Ngoài chuyện dùng bút lông chấm sửa lỗi trên các bức ảnh cũ, thì có tô màu lên ảnh đen trắng. Một vài nghệ sĩ can thiệp trong phòng tối như rắc bông gòn lên ảnh để in tráng ra thành những đám mây.
Lúc này vấn đề tác quyền chưa được chú ý nhiều nhưng hiếm có nạn "đạo ảnh" như sau này. Tác giả ảnh nắm giữ phim âm bản. Đó là điều chắc chắn nhất khẳng định anh là tác giả bức ảnh và không ai có thể đánh cắp.
Những năm 2000, kỷ nguyên ảnh số (digital photo) lan vào Việt Nam, những điều trên đã thay đổi nhanh chóng. Chụp ảnh không cần phim nữa, mà được ghi lại bằng các cảm biến quang điện. Ảnh chụp xong được lưu trữ dưới dạng file tín hiệu, ghi trên ổ cứng, thẻ nhớ... và lưu truyền trên mạng, xem trên màn hình, khi cần thiết lắm mới in ra giấy bằng các máy in kỹ thuật số.
Kỷ nguyên ảnh số cũng đặt ra nhiều khó khăn về vấn đề bản quyền. Khác với thời chụp phim khi xưa, mỗi phim âm bản gần như là độc nhất, rất khó sao chép, thì bây giờ file ảnh gốc có thể dễ dàng sao chép nhân bản, nghệ sĩ dễ dàng bị mất ảnh. Để tự bảo vệ, các nghệ sĩ bây giờ chép file ảnh gốc vào một ổ cứng riêng của mình vào bảo quản kỹ, chỉ cung cấp file ảnh gốc ra bên ngoài khi đã có thương thảo hợp đồng chặt chẽ.
Tuy nhiên, nghệ sĩ nhiếp ảnh luôn có nhu cầu trưng bày tác phẩm, một cách trong số đó là chia sẻ trên mạng xã hội. Để tránh bị mất cắp, các nghệ sĩ chỉ đưa ảnh lên với dung lượng thấp, đủ để xem trên điện thoại hay máy tính, không đủ để in thương mại.
Ví dụ để in một ảnh khổ lớn cần file ảnh có dung lượng vài MB (mega bytes), trong khi ảnh đưa trên mạng xã hội chỉ có dung lượng vài trăm KB (kilo bytes). Nếu cố tình lấy ảnh dung lượng thấp để phóng to ra in thì bức ảnh sẽ bị vỡ, không xem được. Thêm nữa, trên ảnh các tác giả luôn chèn thêm chữ ký hoặc chữ in chìm đánh dấu (water mark). Các nghệ sĩ đã tự bảo vệ mình trong kỷ nguyên ảnh số như vậy.
Thế nhưng tất cả lại thay đổi khi thế giới công nghệ bước vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI). AI với sức mạnh kỳ diệu của mình đã làm những khái niệm về ảnh từ trước tới nay trở thành lạc hậu. Những kỹ thuật cắt ghép chỉnh sửa hình ảnh bằng phần mềm mới đây thôi tưởng chừng như cao siêu, bỗng hóa thành thô vụng. AI thậm chí còn sáng tác ra một bức ảnh chỉ dựa trên lời mô tả. Ví dụ mấy hôm trước mọi người thích thú xem những bức ảnh Hà Nội tuyết rơi trắng xóa rất đẹp và rất thực, nhưng chỉ là sản phẩm của AI.
Việc sử dụng AI trong chỉnh sửa ảnh còn đặt ra nhiều vấn đề về an ninh xã hội, khi có thể dễ dàng tạo ra những bức ảnh cắt ghép xuyên tạc như thật.
Và AI cũng làm cho vấn đề bảo vệ tác quyền ảnh trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Với các phần mềm chuyên dụng, có thể hoàn toàn khôi phục dung lượng một tấm ảnh nhỏ thành tấm ảnh khổ lớn. Lúc này biện pháp tự bảo vệ của các nghệ sĩ nhiếp ảnh bị vô hiệu hóa. Việc xóa chữ ký hay water mark cũng quá dễ dàng.
Tình trạng xâm phạm quyền tác giả, dưới sự "tiếp tay" của công nghệ AI, sẽ không chỉ dừng lại trong lĩnh vực nhiếp ảnh.
Vì thế, trong lúc mải mê ca tụng và tận hưởng công nghệ AI, rất cần sự tỉnh táo để đặt ra các hàng rào kỹ thuật cũng như giới hạn đạo đức trong mọi lĩnh vực, để AI không chỉ có trí tuệ nhân tạo mà còn phải có "nhân tính".
Quan Thế Dân