Nếu mâm ăn 11 em, tiền thức ăn bữa chính khoảng 130 nghìn. Bằng số tiền đó không thể có một bàn ăn nhiều thịt, cá, nhưng cũng không đến mức chỉ có nồi canh rau và món đậu phụ lẫn số thịt băm nhỏ đến mức dưới ống kính truyền hình có độ phân giải cao mà người xem cũng khó nhìn thấy. Nhưng trên bảng tài chính công khai của bếp ăn vẫn ghi bữa ăn cho trên 170 em có định lượng 14 kg thịt và 14 kg xương.
Dấu hiệu bớt xén là rõ ràng. Đây không còn là vấn đề gây xót xa, bực bội. Đây là vấn đề pháp luật. Tiền ăn của các em, nếu bị chiếm đoạt, thì người chiếm đoạt phải chịu trách nhiệm hình sự, không còn là vấn đề xử lý hành chính.
Học sinh bán trú ở trường phổ thông dân tộc bán trú là thành phần được hưởng hỗ trợ từ Nhà nước cao hơn cả. Thực tế thì rất nhiều học sinh dân tộc vùng cao khác, hoàn cảnh khó khăn không kém, nhưng không nằm trong diện được cấp gạo và tiền ăn ở mức nói trên. Nhiều học sinh nghèo, ở trong ký túc xá của trường cả tuần, nhưng không có tiêu chuẩn 15 kg gạo và tiền ăn bằng 40% lương cơ sở. Nguyên do là cơ chế xác định tiêu chuẩn hiện nay chưa bao trùm hết các em khó khăn.
Vì vậy, hiệu trưởng nhiều trường có học sinh ở bán trú, nhưng không phải là trường Phổ thông Dân tộc bán trú, từ đầu năm học thường phải chạy đôn đáo xin gạo và tiền từ các nhà hảo tâm để duy trì bữa ăn cho các em.
Các em này là đối tượng hỗ trợ của các quỹ, các tổ chức, cá nhân. Quỹ Trò nghèo vùng cao của chúng tôi là một trong số tổ chức nhiều năm nay làm việc này.
Sau khi bữa ăn bán trú ở Bắc Hà, Lào Cai nói trên được báo chí phản ánh, Quỹ Trò nghèo vùng cao và cá nhân tôi nhận được nhiều tin nhắn của người ủng hộ. Mặc dù việc cụ thể không liên quan đến hoạt động từ thiện (mà thuộc khu vực sử dụng tiền hỗ trợ của Nhà nước), nhưng sự lo ngại là chính đáng. Đơn giản là: Nếu tiền ăn của học sinh miền cao do Nhà nước cấp bị bớt xén, thì có gì đảm bảo chuyện đó không xảy ra với tiền ủng hộ từ thiện?
Ngay từ đầu, đây là nỗi lo của chúng tôi, cũng như của mọi quỹ, mọi tổ chức đứng ra vận động ủng hộ. Điều luôn khiến chúng tôi lo âu là tiền huy động, đã chuyển đi trọn vẹn, lại không được sử dụng đúng tại nơi nhận. Chuyện này một khi xảy ra, sẽ hủy hoại niềm tin của người ủng hộ.
Đầu năm học 2018, tôi từng chia sẻ với các hiệu trưởng trường vùng cao: "Cơm có thịt hiện hỗ trợ cho một vạn học sinh ở 105 trường rải rác khắp vùng cao, chủ yếu là Tây Bắc. Quỹ có đội ngũ kiểm soát viên tài chính trình độ cao. Nhưng điều hiển nhiên là không có cách gì theo dõi 105 nơi hàng ngày mua lạng thịt hay quả trứng.
Chúng tôi làm được và sẽ luôn làm cho được việc các đồng tiền ủng hộ gửi trọn vẹn lên vùng cao... Còn khi tiền đã đến tay các nhà trường, thì trách nhiệm pháp lý sử dụng đúng và trọn vẹn thuộc về nhà trường.
Nhưng đó là chuyện pháp lý. Ở đây đâu chỉ là chuyện trách nhiệm pháp lý đơn thuần. Nếu xảy ra tiền đến nhà trường mà không trọn vẹn thành thịt cho các em, thì tất cả chúng ta - Quỹ và Nhà trường - sẽ làm vỡ tan lòng tin của người ủng hộ".
Nhưng chỉ lo thôi là không đủ, vấn đề là cần làm gì?
Thủ tướng, Chính phủ ra quyết định về chế độ hỗ trợ học sinh nghèo vùng cao. Nhưng Thủ tướng và Chính phủ không thể hàng ngày kiểm tra theo dõi được. Đó là việc phải làm chủ yếu tại địa phương, không phải chỉ qua giấy tờ, chứng từ, báo cáo. Các bữa ăn hiển hiện trên bàn, không khó để có cách kiểm tra đối với những người có trách nhiệm. Tiền chi cho bữa ăn học sinh là khoản đầu tư không lớn so với các khoản chi khác của Nhà nước cho địa phương, nhưng nó là sự đầu tư của đạo lý, đầu tư cho con em nghèo, đầu tư cho tương lai. Những sự việc bớt xén như trên, nếu để xảy ra, sẽ hủy hoại rất nhiều hình ảnh của địa phương. Chỉ riêng khía cạnh này thôi, với địa phương, cái giá là quá đắt.
Để làm tốt việc giám sát tại chỗ, trước hết, mọi khoản ủng hộ của mọi tổ chức phải được công khai để tất cả giáo viên, học sinh, phụ huynh, các cấp quản lý địa phương biết rõ. Càng nhiều người biết cụ thể nhà trường đang nhận sự hỗ trợ nào, cho các em học sinh nào, mức hỗ trợ ra sao, sẽ càng giảm thiểu rủi ro. Nếu chỉ có lãnh đạo nhà trường và một hai người làm công việc kế toán, phụ trách bếp ăn biết thôi, sự giám sát sẽ không cao.
Mọi hợp đồng tài trợ tiền ăn đều nên có sự tham gia ký kết của đại diện phụ huynh. Điều cần làm là tăng cường vai trò giám sát thực sự của phụ huynh. Mong muốn này không dễ với phụ huynh vùng cao, nhưng nếu nỗ lực vẫn có thể làm hơn được. Với bữa ăn, việc kiểm tra không khó, cái khó là có người làm việc đó thường xuyên hơn không. Cho dù có áp dụng cả những cách làm kỹ thuật, như chúng tôi đang thử nghiệm nhận hình ảnh từ camera ở bếp ăn, thì cũng không thể bằng giám sát thường xuyên và phản ánh kịp thời của người tại chỗ.
Gần đây, có chương trình từ thiện được đặt trên nền tảng cá thể hóa. Bằng các phương thức áp dụng tin học, người ủng hộ tiền biết học sinh cụ thể mình ủng hộ là ai, do đó cho phép kết nối giữa người ủng hộ với học sinh được hỗ trợ. Người ủng hộ có thể kiểm tra việc thụ hưởng của cá nhân được ủng hộ. Đó cũng là cách làm rất tốt mà ở các trường hợp áp dụng được nên cố gắng thực hiện.
Có một thực tế lớn lao: sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng trong những năm qua đã giúp hàng trăm nghìn học sinh khu vực khó khăn nhất đi học và có cơ hội trở thành nguồn nhân lực rất quý để có tương lai vùng cao hết nghèo. Khi học sinh nghèo còn thì Nhà nước vẫn sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ, và các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội vẫn chung tay góp ở những phần mà chính sách của Nhà nước chưa phủ hết được.
Hơn chục năm thực hiện chương trình "Cơm có thịt" cho học sinh nghèo vùng cao, chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều hiệu trưởng và giáo viên, những người lo việc giáo dục ở vùng cao. Khi chưa có nguồn hỗ trợ, chuyện thầy cô lấy tiền lương ra để duy trì bữa ăn, chuyện thầy cô hướng dẫn học sinh nuôi lợn, nuôi gà vịt để cải thiện bữa ăn, thầy cô lo lắng đi tìm mọi nguồn hỗ trợ từ xã hội cho bếp ăn... ở đâu cũng có.
Vẫn còn những "con sâu bỏ rầu nồi canh", nhưng nếu không có niềm tin vào giáo viên vùng cao, chắc hẳn chúng tôi không dám huy động đóng góp của cộng đồng. Càng đi càng gặp, chúng tôi càng có nhiều thêm niềm tin ấy.
Và để vun đắp tương lai cho trẻ vùng cao, cũng là tương lai của đất nước, cần phải làm mọi điều để bảo vệ niềm tin ấy.
Trần Đăng Tuấn