Theo Xinhua, bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây hiện trưng bày cổ vật cao 2 cm, nặng 33 g, được khắc từ loại bạch ngọc tên Hòa Điền Dương Chỉ, nguồn gốc Tân Cương. Ông Hạ Đạt Hân, chủ nhiệm phòng quản lý sưu tập ở Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây cho biết đây là ấn đẳng cấp cao nhất mà giới khảo cổ phát hiện được của thời nhà Hán.
Người nhặt được cổ vật, ông Khổng Trung Lương, thi thoảng được mời quay lại bảo tàng để thăm chiếc ấn. Năm 1968, khi 13 tuổi, Khổng Trung Lương thường chơi ở con mương gần nhà - địa điểm yêu thích của ông mỗi khi tan học. Một hôm, ông nhìn thấy "viên đá" ở vũng bùn, bèn vớt lên, rửa sạch. Vị trí Khổng Trung Lương nhặt được viên đá cách Trường Lăng - lăng mộ của Lưu Bang và Lã Hậu - khoảng 1.000 m.
Cha của Khổng Trung Lương - Khổng Tường Phát, mang đá đến Tây An giao cho bảo tàng lịch sử. Theo giám định của chuyên gia, trên ngọc khắc "Hoàng hậu chi tỉ" (Ấn của hoàng hậu) bằng chữ Triện, tuổi đời hơn 2.000 năm.
Giới chuyên môn hầu hết đồng tình quan điểm chiếc ấn thuộc sở hữu của Lã Hậu, vợ của vua Hán Cao Tổ, tức Lưu Bang, hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Hán. Bấy giờ chưa xuất hiện giấy, ấn được đóng trên đất sét khô hoặc tài liệu ghi trên trúc, vì thế kích thước nhỏ hơn so với thời ấn đóng trên giấy tờ.
Sách cổ Hán cung cựu nghi ghi chép về hình dạng ấn ngọc của hoàng hậu, miêu tả phần tay cầm hình Ly Hổ - một con vật trong truyền thuyết, hàm ý người sở hữu đại diện cho ý trời, nắm giữ quyền uy tuyệt đối. Cổ vật có giá trị quan trọng trong nghiên cứu lịch sử thời Hán, chứng minh việc Lã Hậu từng tham gia triều chính. Lã Hậu (241-180 trước công nguyên) hay Hán Cao Hậu, là hoàng hậu duy nhất của Hán Cao Tổ. Sau khi vua qua đời, Lã Hậu làm hoàng thái hậu, can dự triều chính.
Chiếc ấn lâu đời nhất được công nhận ở Trung Quốc có từ cuối thời nhà Thương. Khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi hoàng đế, từng lập quy định con dấu của vua và hoàng hậu gọi là tỉ, của những người khác gọi là ấn.
Nghinh Xuân (theo Sxhm, Xinhua)