Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, Mỹ, cuối tuần trước công bố các ảnh vệ tinh, cho thấy một số vòm radar mới trên đá Vành Khăn, thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp.
AMTI cho biết hai vòm radar hình cầu màu trắng xuất hiện trên đá Vành Khăn hồi cuối năm 2020, một vòm xuất hiện đầu năm nay. Các vòm radar trái phép này xuất hiện nổi bật trong ảnh vệ tinh được AMTI chụp ngày 5/6.
Ảnh vệ tinh của AMTI cũng cho thấy các cấu trúc lớn có mái màu xanh được lắp đặt ở nhiều thực thể Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa.
Các mái che màu xanh dường như được dựng theo kích cỡ thống nhất, với chiều dài 50 m và rộng 15-25 m. Mái che đầu tiên được phát hiện vào tháng 11/2019 trên đá Chữ Thập, tiếp tục xuất hiện tại đá Subi hồi tháng 4/2020, đá Vành Khăn hồi tháng 5/2020, đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa tháng 8/2020, đá Gạc Ma vào tháng 9/2020 và đá Châu Viên vào tháng 1 năm ngoái.
Các đá này đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1988. Bắc Kinh sau đó tiến hành hoạt động bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo và xây dựng các công trình quân sự trên những thực thể đó.
Các mái che màu xanh tiếp tục được phát hiện tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam năm ngoái, xuất hiện tại đảo Phú Lâm hồi tháng 4/2021, đảo Quang Hòa và đảo Hoàng Sa trong tháng 6-8/2021, trong đó công trình tại Phú Lâm đã được dỡ bỏ hồi đầu năm.
Một số mái che vẫn ở nguyên vị trí, trong khi số khác bị dỡ bỏ hoặc di dời đến địa điểm mới. Gần đây nhất, mái che tại đá Chữ Thập đã được chuyển từ mũi phía nam đảo nhân tạo về phía gần trung tâm hơn hồi tháng 4.
Hiện chưa rõ mục đích của các mái che này. Chúng được dựng lên nhanh chóng, một số che phủ các sân bóng rổ, một phần đường băng hoặc các khu vực đã chuẩn bị mặt bằng. Trên đá Subi, một biểu tượng Chữ thập Đỏ được sơn cạnh mái che màu xanh.
AMTI cũng phát hiện Trung Quốc tăng cường hoạt động xây dựng trái phép tại ba đảo ở quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cầu cảng ở đảo Linh Côn kéo dài từ 175 lên 200 m hồi tháng 3/2021, cầu cảng đảo Quang Ảnh tăng từ 150 lên 190 m, còn ở đảo Hoàng Sa tăng từ 190 lên 250 m. Các tấm pin mặt trời xuất hiện trên nhiều công trình ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trung Quốc đơn phương vẽ ra "đường chín đoạn", nêu yêu sách chủ quyền phi lý với hầu hết diện tích Biển Đông. Nước này cũng bồi đắp, cải tạo, xây dựng tiền đồn quân sự và cho binh sĩ đồn trú trái phép trên các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, bất chấp luật pháp và sự phản đối của Việt Nam và quốc tế.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao nhiều lần tuyên bố các hoạt động bồi đắp, quân sự hóa trái phép của Trung Quốc tại hai quần đảo này xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam cũng như quy định của luật pháp quốc tế.
Đức Trung (Theo AMTI)