Một dàn diễn viên hạng sao, một đạo diễn quen mặt với Oscar cùng những cơn mưa đề cử và giải thưởng, dường như American Hustle là bộ phim xuất sắc về mọi mặt và là tác phẩm buộc phải xem với những fan của môn nghệ thuật thứ bảy.
Trailer phim "American Hustle" |
|
Cây bút phê bình của tờ Chicago Sun Times thậm chí còn “không tin rằng có người yêu điện ảnh nào lại có thể không thích bộ phim này”. Thế nhưng có lẽ khán giả nên hạ thấp kỳ vọng trước khi thưởng thức American Hustle bởi đây là một trong những dự án điện ảnh tốt của năm 2013 nhưng không phải là bộ phim hay nhất.
Nghệ thuật lừa đảo kiểu Mỹ
American Hustle được dựa trên chiến dịch mang tên ABSCAM của FBI thực hiện những năm cuối thập niên 1970 và đầu 1980, với tên các nhân vật đã được thay đổi. Khởi nguồn của mọi rắc rối là bộ đôi Irving Rosenfeld (Christian Bale thủ vai) và cô nàng Sydney Prosser (Amy Adams). Irving là một chuyên gia lừa đảo và biết cách trục lợi cho bản thân từ mất mát của người khác từ nhỏ, trong khi Sydney là một cô gái khôn ngoan lên thành phố với hy vọng rũ bỏ quá khứ chẳng mấy đẹp đẽ. Họ cùng nhau trở thành một cặp chuyên lừa đảo tiền vay nợ và còn có quan hệ như một cặp tình nhân.
Thế nhưng Irving lại có một người vợ vô công rồi nghề là Rosalyn (Jennifer Lawrence), người luôn sẵn sàng làm mọi thứ, trừ việc ly dị Irving. Một ngày nọ, trong khi đang thực hiện mánh khóe lừa đảo quen thuộc, cặp Irving - Sydney bị tay nhân viên FBI Richie DiMaso (Bradley Cooper) lật tẩy và đem tống giam. Điều kiện để những kẻ lừa đảo không bị truy tố là... tiếp tục lừa đảo, nhưng lần này là dưới sự chỉ đạo của FBI.
Anh chàng hiếu chiến DiMaso muốn được ghi công bằng cách lôi ra ánh sáng những chính trị gia cỡ bự và dùng Irving - Sydney làm mồi câu. “Con mồi” đầu tiên được nhắm tới là thị trưởng Carmine Polito (Jeremy Renner) và FBI hy vọng tài năng lừa đảo của những cộng tác viên bất đắc dĩ sẽ khiến có thêm nhiều con cá lớn khác cắn câu...
ABSCAM là một vụ việc có thật và từng gây xôn xao dư luận Mỹ vào thời điểm mọi thứ được công bố, do nó có ảnh hưởng trực tiếp tới những nhân vật tên tuổi nằm trong Hạ viện Mỹ hay thậm chí cả một nghị sĩ Mỹ cũng nằm trong danh sách nhúng chàm. Kịch bản phim được Eric Singer viết từ lâu nhưng vẫn nằm trong danh sách đen các bản thảo không được đưa lên màn ảnh.
Điệp vụ ABSCAM dù là do FBI nắm đằng chuôi song thực tế lại do một tên tội phạm dẫn dắt, cộng thêm việc nó ảnh hưởng rất nhiều tới lòng tin dư luận với chính phủ Mỹ vào thời điểm chỉ vài năm sau scandal Watergate. Nó chỉ được đưa lên màn ảnh rộng hơn ba thập kỷ sau nhờ David O. Russell. Đạo diễn của The Fighter và Silver Linings Playbook đem tới cho American Hustle một dàn diễn viên xuất sắc nhất có thể.
Một bộ phim gần như tốt về mọi mặt...
Không có bộ phim nào trong năm 2013 có một dàn diễn viên ấn tượng hơn American Hustle. Tác phẩm này sở hữu tới ba ngôi sao từng đoạt giải Oscar là Christian Bale, Jennifer Lawrence và một tên tuổi được cố tình giữ bí mật để đem tới bất ngờ cho khán giả. Ngoài ra còn có ngôi sao từng bốn lần được đề cử Oscar - Amy Adams, tài tử quyến rũ Bradley Cooper, nam diễn viên “nở muộn” Jeremy Renner cùng cây hài Louis C.K. và người tập hợp được chừng ấy cái tên hạng A cũng là một đạo diễn lừng danh từng có những bộ phim được đánh giá cao về chất lượng và nổi bật về khả năng chỉ đạo diễn xuất.
Bản thân nam diễn viên chính Christian Bale từng hé lộ có rất nhiều cảnh trong phim là do các diễn viên tự biến tấu, dưới sự giám sát của O. Russell. Tiêu biểu như cảnh hai vợ chồng nhà Rosenfeld cãi nhau trong phòng ngủ, khi mà Bale và Jennifer Lawrence cảm thấy họ không thể cảm nhận được giống với những gì kịch bản đã viết, O. Russell liền để hai ngôi sao này tự nói những gì họ muốn. Bản thân O. Russell từng khẳng định: “Tôi ghét những cốt truyện và chỉ quan tâm tới nhân vật”.
Kết quả là dàn diễn viên của American Hustle đều có những khoảnh khắc tỏa sáng dù điều này khiến không ai nhận được trọn vẹn ánh sáng tâm điểm. Christian Bale tiếp tục gây sốc khi tăng tới gần 20 kg để vào vai Irving - một điều mà anh khẳng định mình phải làm để thể hiện nhân vật này. Irving là một kẻ có tâm tình phức tạp khi tình yêu của hắn dành cho Sydney cứ lớn dần theo thời gian nhưng xen vào đó lại là trái tim hướng về gia đình, với cô ả khó lường Rosalyn và cậu con trai nuôi.
Sát cánh cùng hắn trong những phi vụ lừa đảo là nàng Sydney của Amy Adams, kẻ có khả năng nâng tầm những chiêu lừa và có sức quyến rũ khó lường, không chỉ tới từ bộ ngực luôn lấp ló mà còn ở ánh mắt lẫn sự sắc sảo. Cô là người diễn tốt bậc nhất phim và có một câu thoại đầy ấn tượng : “Anh chẳng là gì cả với tôi cho tới khi anh trở thành tất cả”.
Sydney nhận thức được khả năng của mình và biến nó thành cục nam châm để thu hút người khác giới, không chỉ Irving mà cả tay cảnh sát DiMaso. Nhân vật của Bradley Cooper lại là một viên cảnh sát giàu tham vọng, ham chứng tỏ bản thân đến mức sẵn sàng chống lại thượng cấp. Hệ thống nhân vật của American Hustle còn sở hữu Rosalyn, người phụ nữ trẻ đẹp nhưng hoàn toàn thất bại trong cuộc sống.
Rosalyn không sở hữu một kỹ năng nào của người mẹ, người vợ nhưng lại luôn muốn thể hiện mình. Ấy thế nhưng sự điên khùng, không thể lường trước của Rosalyn lại là mấu chốt dẫn tới những nút thắt mở của phim bởi trong mắt cánh đàn ông, Rosalyn như một nhành hoa đẹp với mùi hương khó cưỡng lại...
Cả bốn diễn viên trên đều được đề cử tại Oscar 2014 với bốn hạng mục diễn xuất khác nhau, khiến American Hustle trở thành bộ phim thứ hai kể từ năm 1981 làm được điều này (gần nhất là trường hợp của Silver Linings Playbook năm ngoái, một bộ phim cũng của David O. Russell). Trong tổng cộng 10 hạng mục được đề cử còn có cả Kịch bản, Đạo diễn, Phục trang lẫn Phim hay nhất. Một điểm ấn tượng khó có thể bỏ qua ở American Hustle là việc David O. Russell đã tái hiện những năm 1970 rất chân thực, từ những bộ cánh, bối cảnh cho tới kiểu tóc của nhân vật.
Âm nhạc được dùng trong phim cũng đều là những bài hát nổi tiếng với những cái tên từng làm nức lòng thính giả như Elton John, David Bowie hay Donna Summer. Một trong những phân cảnh xúc động nhất của American Hustle là khi bản ballad về những trái tim tan vỡ How Can You Mend A Broken Heart của nhóm Bee Gees được cất lên, đem lại sự cộng hưởng hoàn hảo tới mạch phim. Vậy với chừng đó ưu điểm, liệu American Hustle có thể được coi như bộ phim hay nhất năm 2013?
... nhưng chưa xuất sắc
Năm 2013, bộ phim đoạt giải quán quân tại Oscar là Argo, tác phẩm được dựa trên một nhiệm vụ giải cứu có thật của CIA đối với các nhà ngoại giao nước này tại Iran. Do Ben Affleck đạo diễn, tác phẩm này ghi điểm với sự căng thẳng và ly kỳ từ đầu đến cuối. Cùng được mô phỏng từ sự kiện lịch sử như Argo song American Hustle lại không hấp dẫn bằng do thiên quá nhiều về phần tâm lý cũng như mối quan hệ giữa các nhân vật. Nếu đem so sánh với một tác phẩm về đề tài lừa đảo được dựa trên nguyên mẫu ngoài đời là Catch Me If You Can thì có lẽ American Hustle cũng không cuốn hút bằng.
Như lời đạo diễn David O. Russell, ông chú trọng vào các nhân vật và tính cách họ hơn. Kết quả là trong American Hustle, công cuộc lên kế hoạch đặt bẫy các chính trị gia lại bị lấn át bởi sự tập trung vào tuyến nhân vật chính, khiến bộ phim có cảm giác dài lê thê hơn mức cần thiết. Cả phim, cảm giác căng thẳng với khán giả có lẽ chỉ xuất hiện khi kế hoạch chuẩn bị bại lộ với sự xuất hiện của vị diễn viên khách mời đặc biệt. Một chút bất ngờ ở khúc cuối có lẽ chưa đủ để đem lại sự hài lòng cho những khán giả kỳ vọng vào một bộ phim ly kỳ với đề tài lừa đảo.
Trong thời điểm mà sự hoài cổ lẫn phong cách vintage đang thịnh hành, việc làm sống lại thập niên 1970 khiến American Hustle được các nhà phê bình tại Mỹ đánh giá cao. Sở hữu những ngôi sao hàng đầu với diễn xuất ấn tượng, phần phục trang và âm nhạc tuyệt vời nhưng thực tế bộ phim vẫn thiếu đi một chút sự hấp dẫn mà khán giả kỳ vọng. Đây vẫn là một bộ phim hay nhưng chưa thể đạt tới tầm xuất sắc như một bộ phim về những kẻ lừa đảo khác là The Sting (đoạt Oscar “Phim hay nhất” năm 1974) từng làm được.
Toàn cảnh Oscar 2014 |
Thịnh Joey