Christina Patterson -
Amélie Nothomb sinh năm 1967 tại Kobe, Nhật Bản, cô là con gái của một nhà ngoại giao Bỉ. Thuở nhỏ, Nothomb từng sống qua nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Bangladesh, Burma và Lào. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Libre de Bruxelles, cô quay về Nhật làm thông dịch viên trong một tập đoàn lớn. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô Hygiene de l'Assasin ra mắt năm 1992. Từ đó đến nay, đều đặn mỗi năm cô xuất bản một cuốn.
Amélie Nothomb thường xuyên cảm thấy đói nhưng cô không muốn ăn và thích để cho cơ thể mình bị đói. Bữa sáng của nhà văn chỉ đơn giản là một tách trà đen. Giải thích cho thói quen này, Nothomb cho biết: "Tôi cần phải giữ được tình trạng luôn luôn đói. Đó là điều cần thiết để tôi có thể viết tốt. Thường thì tôi chỉ ăn về đêm, thật tuyệt, bữa ăn đó như là một cuộc chè chén vậy".
Chi tiết đời tư này đặc biệt có ý nghĩa đối với cuốn tiểu thuyết mới - The Life of Hunger (Cuộc đời Người đói) - của cô. "Nếu Nietzsche nói về siêu nhân thì tôi đề cập đến người Siêu đói. Tôi không phải là siêu nhân, tôi đói hơn bất cứ một ai khác".
The Life of Hunger đã bán ra được 250.000 bản tại Pháp. Cùng với những cuốn tiểu thuyết được dịch ra 30 thứ tiếng và giải thưởng Grand Prix du Roman de l'Académie, Nothomb trở thành thần tượng của giới trẻ. Cô bị bạn đọc đeo bám trên đường phố và quấy quả tại nhà riêng. Người hâm mộ gửi cho cô hàng tá thư dài, đầy yêu thương, thậm chí là quá khích. Bạn đọc lấy tên cô đặt cho con mình, ngay cả với những đứa bé trai.
![]() |
Tác giả Amélie Nothomb. Ảnh: Independent |
Là một độc giả tham lam, Nothomb cho biết, cô lớn lên trong một gia đình, "mà ở đó, văn chương được coi như là ngôi đền thiêng". Trong khi chị cô Juliette đã tập tọng viết lách từ thuở ấu thơ, Amélie vẫn nghĩ mình là kẻ "không thể nào đặt chân được vào ngôi đền đó". Nhưng năm 17 tuổi, khi đọc Letter to a Young Poet (Thư viết cho những nhà thơ trẻ) của Rainer Maria Rilke, Nothomb đã thay đổi hẳn suy nghĩ. "Tôi nhận ra rằng, băn khoăn của mình không phải là 'Tôi có đủ khả năng viết văn không?' (bởi lúc đó, câu trả lời là không) mà câu hỏi chính là 'Tôi có thể sống mà không viết không?'. Đó là vấn đề duy nhất".
"Tôi chưa bao giờ mơ mình sẽ trở thành một nhà văn vì tôi không cho phép mình mơ như vậy. Dù khi còn là một đứa trẻ, tôi vô cùng tham vọng. Tôi tưởng tượng mình sẽ trở thành một cái gì đó thật vĩ đại: một nữ thần, một tổng thống, một người đoạt giải Nobel. Ai cũng có một tuổi thơ tràn đầy những mơ mộng như vậy. Nhưng những ảo tưởng sẽ nhanh chóng vỡ tan cùng thời gian".
Năm 19 tuổi, Nothomb vào làm việc cho một công ty Nhật tại Tokyo. Những gì được coi là tình yêu tột bậc của cô dành cho Nhật Bản đã nhanh chóng biến thành ác mộng khi các đồng nghiệp phát động hẳn một chiến dịch làm nhục cô. Vào những ngày tháng cuối cùng của hợp đồng lao động với công ty, Nothomb đã thực sự phải làm việc trong toilet. Công việc của cô là đảm bảo đủ "giấy lau" cho đồng ngiệp. Kỷ niệm đau đớn này đã được Nothomb kể lại trong cuốn tiểu thuyết Fear and Trembling (Run rẩy và lo sợ).
Nhưng đây cũng chính là biến cố đẩy Nothomb đến con đường trở thành nhà văn chuyên nghiệp. "Tôi tự nhủ với bản thân mình: ‘Cô gái già ơi, mày sẽ làm gì với cuộc đời mày bây giờ?’. Tình yêu dành cho nước Nhật của tôi đã bị bội bạc. Ngoài việc nói thứ ngôn ngữ của đất nước này, tôi chẳng thế làm gì được nữa. Nếu không có sự cố đáng buồn ở công ty, có lẽ tôi đã không bao giờ đủ dũng khí viết sách để xuất bản. Vì sau sự kiện đó, tôi nghĩ, sẽ chẳng có gì có thể tệ hơn thế nữa", Nothomb tâm sự.
Amélie Nothomb bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết đầu tay L'Hygiene de l'assassin ngay khi trở về châu Âu. Đến nay, cô đã hoàn thành 56 cuốn sách nhưng chỉ mới xuất bản 14 tác phẩm. Cô viết chậm nhưng chắc và không bao giờ sửa chữa. "Đó là một biểu hiện của lòng tin", cô giải thích. "Điều này cũng giống như khi mang bầu, bạn không thể sửa chữa, đứa con của mình, dù nó không hoàn thiện, hay thậm chí là rất xấu".
Cuốn tiểu thuyết Fear and Trembling kết thúc với một loạt con số chỉ ngày tháng, trùng khớp với những sự kiện trong cuộc đời Nothomb. Loving Sabotage, cuốn sách về những ngày tháng tuổi thơ ở Trung Quốc của một đứa trẻ, đã khép lại bằng một lời bạt, khẳng định, cuốn tiểu thuyết "là câu chuyện có thật của chính tôi. Tôi không bịa đặt điều gì hết, ngay cả những cái tên của nhân vật". Điều này nghe có vẻ lạ thường, bởi tác phẩm văn học thường là một món trộn từ những trải nghiệm được vay mượn từ cuộc đời người khác. Liệu những chi tiết này có đúng là chuyện thật?
"Không phải là tất cả, nhưng độc giả thường xuyên hỏi tôi câu đó. Họ bị ám ảnh. Khi viết tiểu thuyết, tôi chợt nhớ Virginia Woolf từng nói: "Chẳng có gì xảy ra hết nếu như bạn không viết ra".
"Năm 2000", nhà văn kể, "điều kỳ diệu đã xảy ra với tôi. Tôi có tên trong từ điển tiếng Pháp: ‘Amélie Nothomb, nhà văn, sinh năm 1967'. Nhưng nó nhanh chóng trở thành một tai họa vì (kể ra điều này tôi thấy rất xấu hổ) thỉnh thoảng tôi vẫn mở từ điển ra để xem tên mình có còn ở đó không. Tôi túm lấy cuốn từ điển và nhẹ nhõm thốt lên "vẫn còn". Không ít lần, tôi còn ra hiệu sách và tra tên mình trong từng quyển một, quyển thứ nhất, thứ hai, rồi thứ ba. Liệu tôi có điên không nhỉ?"
Tất nhiên, Amélie Nothomb không điên nhưng rõ ràng là một kẻ lập dị. Cô là người bỏ đói mình suốt ngày rồi lại ngốn hết vô khối chocolate Bỉ; là người phụ nữ xinh đẹp nhưng luôn khăng khăng mình sẽ vô cùng xấu xí nếu không đội mũ; một người chỉ ngủ 4 tiếng mỗi đêm nhưng lại bỏ ra 4 tiếng mỗi ngày để trả lời thư độc giả... Nhà văn tâm sự, cô không đành lòng nếu không hồi âm độc giả. "Bây giờ tôi có rất nhiều bạn, nhiều người yêu mến, tôi thích điều đó, nhưng thỉnh thoảng cũng cảm thấy sợ hãi".
Thanh Huyền lược dịch
(Nguồn: Independent)