Hơn mười năm trước, khi đến Việt Nam, Philip Kotler - cha đẻ của học lý tiếp thị hiện đại đã khuyến khích: "Việt Nam hãy là bếp ăn của thế giới". Tuy nhiên thời điểm ấy, thế mạnh của ẩm thực Việt vẫn là điều gì đó hết sức mơ hồ.
Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu
Ẩm thực Việt Nam, Trưởng Đề án Bếp Việt – Bếp của thế giới kể: trước
đây có người còn cho rằng ẩm thực Việt là "bắt chước" ẩm thực của nước láng giềng. Năm 2010, khi ông đến thành phố Rome và để ý
thấy một số nhà hàng ghi rõ là Việt Nam, song thực đơn đều là các món
của người Hoa ở chợ Lớn (Sài Gòn bây giờ).
Trên thực tế, ẩm thực Việt đã sớm được định hình. Có thể kể đến bánh mì. Chiếc bánh Baguette do người Pháp đem vào Việt Nam, trong quá trình cải biên, người Việt đã biến nó thành món ăn đặc trưng và nổi tiếng khắp thế giới.
Năm 2014, bánh mì Việt Nam tạo nên "cơn sốt", khi vào top 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới theo bình chọn của Huffington Post. Năm 2017, bánh mì Việt cũng có mặt trong 10 món sandwich ngon nhất thế giới, theo Traveller.
Món ăn Việt được du khách nhận xét là thanh, ít chất béo, dùng nhiều rau nhưng vẫn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Đó là lý do không chỉ bánh mì, mà nhiều món ăn đặc trưng của dải đất hình chữ S được chú ý và vinh danh.
Trang National Geographic từng đưa bún chả Hà Nội vào danh sách 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới năm 2014. Nem rán, phở và phở cuốn cũng có mặt trong top 10 và 50 món ăn ngon nhất thế giới, do CNN Travel xếp hạng năm 2015 và 2016. Cơm tấm Sài Gòn cũng thuộc top 10 món ăn xác lập kỷ lục châu Á theo bộ tiêu chí "Giá trị ẩm thực châu Á".
Đầu năm 2017, chuyên mục du lịch của tờ Telegraph xếp Hà Nội đứng thứ 2 trong số 18 thành phố có ẩm thực hấp dẫn trên thế giới... Cũng trong năm này, gần chục món ăn Việt được báo chí nước ngoài ca ngợi. Không ít lần các đầu bếp nổi tiếng thế giới thực hiện chương trình truyền hình về ẩm thực Việt Nam.
"Món ăn Việt Nam có thể đãi khách quốc tế hàng chục bữa mà không sợ có món ăn nào trùng lặp. Mỗi địa phương đều có những món ăn độc đáo được nhiều người thưởng thức khen ngon". Ông Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, còn cho biết, ngoài việc nấu ngon, ẩm thực Việt còn chứa đựng cả giá trị văn hóa.
"Ẩm thực là con đường tiếp cận nhanh chóng và gần gũi, sẽ rất phù hợp khi dùng ẩm thực để phát triển du lịch", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam kiêm Tổng giám đốc Vietravel khẳng định.
Tuy vậy, ẩm thực Việt Nam vẫn chưa được tận dụng và khai thác được hết những tiềm năng sẵn có.
Bà Triệu Thị Chơi, nhà giáo ưu tú, chuyên gia văn hóa ẩm thực từng đánh giá: "Việt Nam có nhiều món ăn mang đặc trưng mỗi vùng miền, nhưng muốn nâng tầm lên thì còn khó. Chuyện mang ẩm thực trở thành thương hiệu quốc gia để đưa ra thế giới là vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ trong nhiều năm nay".
Thực tế, cái "khó" đầu tiên nằm ở việc chưa thể kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó cũng là một trong 6 nỗi sợ của khách quốc tế đến Việt Nam mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng chỉ ra.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, vệ sinh an toàn thực phẩm bắt đầu từ đất, nước bị ô nhiễm hay không, chứ không đơn thuần chỉ do cách nuôi trồng, dùng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng hay các chất bảo quản độc hại.
Cũng theo ông Kỳ, người Việt mới chỉ quan tâm đến một phần rất nhỏ là món ăn, còn không gian hay ứng xử trong khi ăn thì chưa được làm rõ.
"Cơn sốt" nào cũng phải hạ nhiệt nếu không có một chiến dịch dài hơi, chương trình quảng bá chuyên nghiệp tiếp theo. Do vậy, nhiều năm qua, ẩm thực Việt rơi vào vòng quẩn quanh: Trở thành tâm điểm của giới truyền thông sau những sự kiện các chính khách, đầu bếp nổi tiếng thế giới "phải lòng" bún chả, phở... nhưng hạ nhiệt nhanh chóng. Thậm chí tiếng thơm đó có thể bị hủy hoại khi có một nhóm khách nước ngoài bị ngộ độc thực phẩm khi ăn ở Việt Nam.
Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam hoạt động vào tháng 10/2017 được nhiều chuyên gia, người làm du lịch đánh giá là bước đi cần thiết "để ẩm thực Việt bước lên một tầm cao mới, văn hóa ẩm thực Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia". Nhiều người còn kỳ vọng đây là bệ phóng đưa Việt Nam trở thành "bếp ăn của thế giới".
Thực tế, nhiều nước đã dùng ẩm thực để quảng bá hình ảnh quốc gia, qua đó thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động du lịch. Có thể kể đến phô mai Thụy Sĩ, sushi Nhật Bản, sôcôla Hà Lan hay rượu vang Pháp... Đây là những thương hiệu đã gắn chặt với từng quốc gia, mang lại lợi ích cho hàng nghìn nhà sản xuất, đem lại thị trường tiêu thụ lớn, thúc đẩy kinh tế gia tăng.
Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu quốc gia không chỉ thực hiện trong một hoặc hai năm, mà cần cả một quá trình lâu dài, xuyên suốt. Kế hoạch thực hiện cần có sự chung tay, góp sức của nhiều ngành, đơn vị và cả các cá nhân.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng khi đã chọn ẩm thực Việt để xây dựng thương hiệu, cần phát triển những nhà hàng đạt chuẩn được quốc tế công nhận để quảng bá ra thế giới. Từ đó, nâng tầm của ẩm thực Việt Nam, tạo ra giá trị cho những món ăn, đem đến những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.
Bên cạnh đó, việc đầu bếp, nhân viên được tạo điều kiện để tu nghiệp ở nước ngoài, tiếp xúc, học hỏi với cách chế biến, phong cách nấu ăn, quản lý phục vụ chuyên nghiệp của bạn bè quốc tế, mang về ứng dụng tại quê nhà cũng hết sức cần thiết.
Phong Vinh
Quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia là nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam, thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (Vietnam Economic Forum - ViEF). Sự kiện dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12 tại Hà Nội.
Diễn đàn là sự kiện gặp gỡ, đối thoại và hội đàm cấp quốc gia lần đầu tiên của ngành du lịch; là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm bắt toàn diện hơn các cơ chế, chiến lược, tiềm năng quốc gia cũng như những vấn đề còn tồn tại, thách thức cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Chương trình do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng VnExpress và Hội đồng tư vấn du lịch TAB tổ chức.
Theo dõi chương trình và đăng ký tham dự tại: https://vief.vnexpress.net