Một nhiệm vụ khí cầu hoạt động bằng năng lượng mặt trời do nhóm nghiên cứu đến từ Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia phóng, mang theo microphone tới khu vực khí quyển Trái Đất ở độ cao 50 km, gọi là tầng bình lưu. Khu vực này tương đối bình lặng và không có bão, nhiễu loạn hay lưu thông hàng không thương mại, có nghĩa microphone ở lớp khí quyển này có thể lắng nghe những âm thanh trên hành tinh, cả tự nhiên và nhân tạo.
Tuy nhiên, microphone trong nghiên cứu đặc biệt này cũng nghe âm thanh kỳ lạ lặp lại vài lần mỗi giờ. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguồn gốc của chúng. Âm thanh được thu lại ở tần số hạ âm, có nghĩa chúng ở tần số 20 hertz (Hz) và thấp hơn, dưới ngưỡng nghe của tai người, theo nhà nghiên cứu Daniel Bowman ở Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia. Nhóm nghiên cứu mô tả âm thanh hôm 11/5 tại hội nghị lần thứ 184 của Hiệp hội Âm thanh học Mỹ, tổ chức ở Chicago.
Nhằm thu thập dữ liệu âm thanh từ tầng bình lưu, Bowman và cộng sự sử dụng thiết bị ban đầu thiết kế để theo dõi núi lửa gọi là microbarometer, có thể phát hiện âm thanh tần số thấp. Cùng với những âm thanh tự nhiên và nhân tạo dự kiến, microbarometer phát hiện cả tín hiệu hạ âm lặp lại bí ẩn.
Cảm biến mà khí cầu mang lên không trung do Bowman và cộng sự chế tạo. Với đường kính 6 – 7 m, khí cầu được làm từ vật liệu phổ biến và giá thành rẻ. Hoạt động nhờ ánh sáng Mặt Trời, những thiết bị đơn giản này có thể bay tới độ cao khoảng 21,4 km phía trên Trái Đất.
"Khí cầu của chúng tôi về cơ bản là quả bóng nhựa khổng lồ với bụi than đá ở bên trong để làm chúng tối hơn" Bowman giải thích. "Chúng tôi chế tạo khí cầu bằng nhựa từ ổ cứng, băng dính đóng hàng và bột than đá. Khi Mặt Trời chiếu sáng lên khí cầu tối, không khí bên trong nóng nên và cung cấp lực nổi".
Bowman cho biết năng lượng mặt trời bị động đủ để đẩy khí cầu từ bề mặt hành tinh tới tầng bình lưu. Sau khi phóng, khí cầu mang thiết bị theo dõi GPS. Đôi khi nhóm nghiên cứu phải làm điều này vì khí cầu có thể bay hàng trăm kilomet và hạ cánh xuống khi vực khó định vị. Ngoài tìm hiểu âm thanh bí ẩn ở tầng bình lưu, khí cầu như trên còn được dùng để khám phá các phương tiện có thể hợp tác với tàu bay quanh quỹ đạo sao Kim nhằm quan sát hoạt động địa chấn và núi lửa qua khí quyển dày của nó.
An Khang (Theo Space)