Mang tên "Western Pacific Biotwang", tiếng gọi mới phát hiện có thể đến từ cá voi mũi nhọn, thuộc phân bộ cá voi tấm sừng, theo nhóm nghiên cứu thu thập âm thanh. Tiếng gọi này bao gồm nhiều âm thanh trải rộng trong khoảng tần số 38 - 8.000 Hz trong khi ngưỡng nghe được của con người là 20 - 20.000 Hz, Live Science hôm qua đưa tin.
"Tiếng gọi rất đặc biệt", Sharon Nieukirk, trợ lý nghiên cứu cao cấp ở khoa âm sinh học hải dương thuộc Đại học Oregon, Mỹ, nhận xét. "Âm thanh tần số thấp thường thấy ở bộ cá voi tấm sừng và chính âm thanh giọng mũi đó làm cho tiếng kêu thực sự độc đáo".
Tiếng kêu được thu lại nhờ robot lặn biển tự động, có thể lặn sâu tới 1.000 m dưới mặt nước. Nieukirk và đồng nghiệp thu thập dữ liệu âm thanh vào mùa thu năm 2014 và 2015 tại vùng biển phía đông Guam, quanh đáy vực Mariana, nơi sâu nhất ở Thái Bình Dương.
Tiếng kêu gồm 5 đoạn, mỗi đoạn kéo dài 3,5 giây, được ghi âm liên tục vào mùa xuân và mùa thu. Nhóm nghiên cứu hy vọng các nhà khoa học khác có thể nhận biết tiếng kêu trong nguồn dữ liệu khác, cho phép họ xác nhận nguồn phát ra âm thanh. Trong mô tả trên tạp chí của Hiệp hội Âm học Mỹ, Nieukirk và đồng nghiệp cho rằng tiếng kêu thuộc về cá voi mũi nhọn.
Do kết cấu phức tạp, tần số và âm kim loại của tiếng kêu, các nhà nghiên cứu suy luận nó giống nhất với tiếng kêu đặc trưng do một nhóm cá voi mũi nhọn lùn ở vùng biển đông bắc Australia tạo ra. Họ cũng nhấn mạnh có vài loại cá voi mũi nhọn ở khu vực khảo sát nhưng không có nhiều thông tin về hành vi của chúng, đặc biệt là âm thanh chúng phát ra.
Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu về âm thanh thu được. Phần lớn cá voi tấm sừng sử dụng tiếng kêu đặc biệt trong mùa giao phối để gọi bạn tình, nhưng tiếng kêu này xuất hiện quanh năm nên có thể phục vụ nhiều chức năng phức tạp.
Phương Hoa