Khác biệt về múi giờ, thời tiết khiến công việc của Daniel bị đảo lộn nhưng anh không có ý định về nước, ngay cả khi công ty thông báo làm việc tại văn phòng. Để không bị phát hiện, anh vẫn làm việc theo giờ Anh, sử dụng hình nền ảo khi tham gia cuộc họp trực tuyến và liên tục cập nhật thời tiết ở Birmingham để có thể trò chuyện về địa điểm được cho là nơi anh vẫn sống.
David, làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, từng sống trong căn phòng chật hẹp ở London nhiều tháng khi đại dịch bùng phát. Ngay khi mở cửa thành phố, anh đã đến Bồ Đào Nha để du lịch nhưng không báo với công ty vì vẫn làm việc. Sau chuyến đi ngắn ngày, anh tiếp tục đến Hy Lạp và nhiều quốc gia khác để trải nghiệm cuộc sống, nhưng mọi hành động đều phải lén lút và luôn tắt camera khi họp để giữ bí mật.
Thay đổi không gian làm việc giúp David thoải mái hơn, có thời gian cho sở thích của bản thân. Chưa kể, lối sống mới giúp anh tiết kiệm nhiều tiền so với thời gian còn ở London. "Tôi có thể khám phá những nơi mà tiền lương và trợ cấp cho kỳ nghỉ không bao giờ cho phép", David nói.
Đại dịch đã thay đổi văn hóa làm việc, khiến nhiều nhân viên có cơ hội làm việc từ xa. Đối với một số người, không bị ràng buộc ở văn phòng đồng nghĩa với việc có thể bí mật chuyển đến thành phố khác, hoặc thậm chí là quốc gia khác, như David hay Daniel.
Robby Wogan, giám đốc điều hành công ty di động toàn cầu MoveAssist cho biết, nhiều doanh nghiệp đang phải vật lộn để đối phó là việc nhân viên bí mật chuyển đến những nơi đẹp hơn để làm việc.
Cuộc khảo sát do công ty nhân sự Topia - đơn vị giúp triển khai và quản lý nhân sự trên khắp thế giới, cho thấy có tới 40% nhà tuyển dụng phát hiện nhân viên đang làm việc ngoài thành phố, khác bang hoặc quốc gia khác, nhưng chỉ 46% biết chính xác người lao động đang ở đâu.
Trong cuộc khảo sát 1.500 nhân viên toàn thời gian ở Mỹ, 66% thừa nhận không nói với bộ phận nhân sự về lịch trình khi làm từ xa, 94% khẳng định có thể làm việc ở bất cứ nơi nào, miễn là hoàn thành công việc.
Steve Black, người đồng sáng lập và là giám đốc chiến lược của Topia, nói rằng nhiều doanh nghiệp đã thử kiểm tra nơi làm việc cả nhân viên. Như một công ty khởi nghiệp công nghệ có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) đã yêu cầu nhân viên cập nhật địa chỉ nơi ở để gửi đồng phục mới và phát hiện rất đông người ở những địa điểm mà họ không nên đến.
Trước thực trạng trên, một số công ty đưa ra hình thức cảnh cáo, thậm chí sa thải những nhân viên từ chối về công ty về làm việc, nhưng không có kết quả.
Cảm thấy kiệt sức khi phải chi trả một số tiền lớn để thuê nhà ở Manhattan (New York), Matt quyết định đến châu Âu sinh sống nhưng không thông báo với người quản lý. Khi bị phát hiện, Matt được yêu cầu trở về nước nhưng anh chưa sẵn sàng.
Để tiếp tục che giấu nơi ở hiện tại, anh mua vé máy bay, gửi hình ảnh qua email cho sếp để làm bằng chứng, chia sẻ với đồng nghiệp về dự định sống ở một tiểu bang cách xa những người còn lại - nơi anh cho rằng có đủ thời gian bay về nếu có các cuộc họp khẩn cấp. "Nhưng đó chỉ là cách tôi đánh lừa công ty để tiếp tục ở lại", Matt nói.
Tại châu Âu, Matt dành nhiều thời gian để tạo ra một hệ thống trực tuyến giúp che giấu vị trí thực bằng cách chạy một "môi trường ảo" bên trong máy tính, nhằm đánh lừa hệ thống làm việc của công ty. Anh cũng thường chọn khung nền màn hình trắng hoặc tắt camera trong các cuộc họp Zoom để tránh bị phát hiện.
Nhưng suy nghĩ chuyển đến quốc gia có mức sống thấp để tiết kiệm chi phí của nhiều lao động được cho là phi thực tế. Lloyd Davey, luật sư tại Stevens và Bolton, chỉ ra một số vấn đề phức tạp về thuế và tính pháp lý có thể phát sinh khi người lao động làm việc ở nước ngoài.
"Bạn có thể phải chịu thuế ở hai quốc gia, thậm chí trả thêm thuế địa phương cho thu nhập cá nhân nếu làm ở một quốc gia và sống ở nơi khác", Lloyd nói. Làm việc ở nước ngoài cũng làm tăng rủi ro lộ thông tin mật khi sử dụng mạng wifi không an toàn; các chính sách bảo hiểm của cơ quan có thể không áp dụng nếu thiết bị làm việc bị hư hỏng ở nước ngoài.
Do vậy, nếu có ý định làm việc ở nước ngoài, trung thực và thành thật với công ty là kế sách tốt nhất. Lloyd khuyên người lao động nên thẳng thắn chia sẻ về các kế hoạch để tìm kiếm lời khuyên về luật và thuế liên quan đến quốc gia dự định làm việc.
"Nhưng bạn cũng cần chuẩn bị trước tinh thần với những câu trả lời "không" hoặc chấp nhận bị sa thải", vị luật sư nói.
Minh Phương (Theo Vice, Metro)