Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Hạnh - giảng viên chuyên ngành Sức khoẻ môi trường, Đại học Y tế công cộng (Hà Nội), chia sẻ bài viết:
"Không hiểu sao nước nhà anh Trung có mùi rất kinh con à", mẹ chồng tôi bảo. Các bác và anh chị tôi ở khu Mỹ Đình và Linh Đàm phải mua nước bình về nấu ăn, rửa rau.
Đó là hôm cuối tuần trước, mẹ chồng tôi đi thăm anh chị về. Bà và anh chị đều không biết có chuyện gì, chỉ thấy nước máy mùi kinh lắm, không dám ăn. Cũng may, nhà anh chị có con học cấp một và cấp ba, không còn quá nhỏ. Nhưng họ hàng tôi, nhà nào cũng dùng nước bình cả tuần nay thì có lẽ tiền nước bắt đầu ngang tiền thức ăn.
Đến tận thứ hai, các báo mới đăng, nước máy nhiều khu vực ở Hà Nội có mùi khét, người ta mới ngỡ ngàng là nguồn nước sạch thành phố bị nhiễm bẩn dầu thải. Tôi nghĩ bụng, "may" nó còn có mùi chứ nếu bị nhiễm những chất độc không màu, không mùi, không vị thì "tiêu" rồi.
Vấn đề là, giá nước bình lại tăng và hàng chục nghìn hộ gia đình như nhà anh chị tôi hay bạn bè, đồng nghiệp vẫn không chắc chất lượng của nước bình có đảm bảo hay không? Nhiều nơi trong thành phố, nước bình cháy hàng. Chiều nay, bạn tôi phải mua với giá 70.000 đồng một bình 20 lít. Trước đó bốn ngày, giá đại lý bán là 55.000 đồng. Có đại lý còn tuyên bố thẳng: "Chỉ giao khi mua từ 10 bình".
Chuyện thật mà như đùa! Hàng chục ngàn hộ dân ở nhiều quận, huyện của Hà Nội đang sử dụng nước bị nhiễm bẩn Styren với nồng độ cao hơn giới hạn cho phép (20 microgram/ lít) theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống của Bộ Y tế (QCVN 01:2009/BYT) từ 1,3 đến 3,65 lần. Và có thể, nhiều người đã không biết hoặc không đủ điều kiện để mua nước bình về dùng.
>> Nước tại nhà dân có mùi lạ, sao không lấy mẫu kiểm tra?
Thật dễ hiểu khi số đông rất bức xúc, đặc biệt khi biết tin công ty nước phát hiện ra vụ dầu thải từ hôm 8/10 mà vẫn âm thầm bán nước cho dân. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn chủ yếu lo thực phẩm bẩn, mấy ai đề phòng nước máy. Với nhiều người thì tên của nước máy là "nước sạch" - hiển nhiên là phải sạch. Trong câu chuyện với người xe ôm, bác bán nước đầu ngõ, tôi cảm nhận được họ hoang mang khi vừa phải đối mặt với một đợt ô nhiễm không khí khá trầm trọng, nay lại đối mặt với nước ăn uống bị nhiễm bẩn. Họ cảm thấy mất khả năng kiểm soát, thậm chí không còn lối thoát khi không khí, nước, thực phẩm,... nhìn đâu cũng ô nhiễm.
Rất "may", vì thứ người ta đổ trộm vào nước đầu nguồn là dầu thải nên có mùi khét đặc trưng. Thực tế, trong nguồn nước có thể có rất nhiều hoá chất rất độc hại nhưng không có màu sắc hay mùi vị gì nên chúng còn được gọi là các "sát thủ vô hình". Theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, rất nhiều hoá chất này có mức độ giám sát nhóm C. Nghĩa là cơ sở cấp nước chỉ giám sát lần đầu khi đưa nguồn nước vào sử dụng. Sau đó, theo quy định, họ chỉ xét nghiệm ít nhất một lần trong mỗi hai năm.
Lưu ý, nhóm C gồm rất nhiều hoá chất độc hại như các hoá chất bảo vệ thực vật, các chất hữu cơ phức tạp, nhóm Alkan clo hoá, các hydrocacbon thơm - ví dụ Toluen, Xylen, Etylbenzen, Styren; nhóm Benzen Clo hoá, nhiều hoá chất khử trùng và sản phẩm phụ... Vấn đề là, trong tổng số 109 chỉ tiêu đánh giá chất lượng nước theo quy chuẩn trên, có tới 78 chỉ tiêu thuộc nhóm C. Đây là các chỉ tiêu thường đòi hỏi xét nghiệm bởi thiết bị labo hiện đại với chi phí đắt hơn và thời gian lâu hơn các chỉ tiêu nhóm A và nhóm B.
Có thể nguồn nước sông Đà lâu nay vẫn đảm bảo chất lượng nên nhà máy và cơ quan có thẩm quyền không xét nghiệm chỉ tiêu nhóm C nếu không phát hiện bất thường. Nhưng qua sự cố này, chúng ta không khỏi giật mình khi nghĩ đến tình huống nếu ai đó cố tình đổ chất độc không màu, không mùi, không vị vào nguồn nước đầu nguồn mà quy trình xử lý không loại bỏ được thì quá nguy hiểm, vì những chỉ tiêu này mỗi hai năm mới phải xét nghiệm một lần.
Đáng lẽ đơn vị cấp nước cần giám sát đột xuất các chỉ tiêu nhóm C, đặc biệt là các chất thuộc nhóm hydrocacbon thơm vì kết quả kiểm tra vệ sinh nguồn nước cho thấy nguy cơ bị ô nhiễm dầu thải quá rõ ràng thay vì tiếp tục lẳng lặng bán nước cho dân. Có thể việc xét nghiệm các chỉ tiêu này mất thời gian, nhưng khi thấy rõ nguy cơ mất an ninh nước sạch, nhà máy vẫn nên áp dụng "nguyên tắc phòng ngừa".
>> Nước máy ở Hà Nội 'có mùi như nhựa cháy'
Để tránh các sự cố tương tự, các nhà máy nước cần áp dụng kế hoạch cấp nước an toàn theo cách tiếp cận đánh giá và quản lý nguy cơ đảm bảo an toàn trong tất cả các bước của quy trình cấp nước. Chúng ta cần một kế hoạch bảo vệ nguồn nước cẩn thận, lắp đặt hệ thống camera giám sát để theo dõi và kịp thời phát hiện xử lý những sự cố ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp. Khi phát hiện sự cố, cần đặt sức khoẻ và tính mạng của người tiêu dùng lên trên hết. Đó cũng chính là uy tín và tương lai của chính quyền và doanh nghiệp.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.