Các cuộc bầu cử lớn, như tranh cử tổng thống Mỹ, được thêm "gia vị" nhờ âm nhạc. Tờ NME cho rằng âm nhạc giúp các chính trị gia truyền tải thông điệp một cách tinh tế, đồng thời làm giảm hoài nghi của các cử tri về ứng viên của họ. Việc tận dụng âm nhạc trong chiến dịch tranh cử phổ biến từ năm 1997, khi Tony Blair dùng bài Things Can Only Get Better của D:Ream và nhận phản hồi tốt. Ca khúc sau đó được yêu thích đến nỗi quay trở lại bảng xếp hạng âm nhạc Anh sau bốn năm ra đời.
Danh sách ca khúc trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm nay phản ánh rõ sự khác biệt về tính cách, thông điệp của hai ứng viên. Tờ The New York Times phân tích Biden chọn cân bằng số lượng giữa bài hát của các nghệ sĩ da màu và da trắng. Một nửa số ca khúc trong chiến dịch tranh cử của ông thuộc về các nghệ sĩ da màu, điển hình như We The People của Staple, Reach Out (I'll Be There) của The Four Tops, Lovely Day của Bill Withers, Higher Ground của Stevie Wonder. Ông chủ yếu hướng tới các tác phẩm mang âm hưởng pop đương đại, thể hiện nỗ lực tiếp cận cử tri trẻ. Bài The Change của JoJo mà ông sử dụng chỉ mới phát hành hồi tháng 10.
Các bài hát Joe Biden lựa chọn nhằm khơi gợi sự tin cậy, ca ngợi các đức tính của người Mỹ. Những ca khúc như I'm Coming Out của Diana Ross, We Take Care Of Our Own của Bruce Springsteen, Heroes của Bowies, The Edge of Glory của Lady Gaga khiến Joe Biden được nhiều cử tri khen ngợi tiến bộ, đáng tin cậy, có khả năng làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại, được yêu thích bởi các tầng lớp trung lưu ở Mỹ. Joe Biden nhận sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới nghệ sĩ Mỹ. Hôm 2/11, ca sĩ Lady Gaga hát kêu gọi cử tri bầu cho ông.
Trump chọn các bài hát kinh điển nhạc rock hoặc disco, dễ lấy lòng các cử tri lớn tuổi. Tương lai tươi sáng là điều mà Trump hứa hẹn mang đến, ngụ ý này được gửi gắm qua các ca khúc ông từng sử dụng trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Here Comes the Sun của The Beatles, Rockin' in the Free World của Linkin' Park hay Happy của Pharell Williams. Năm nay, để khơi gợi sự đồng cảm của người dân giữa đại dịch, ông sử dụng bài Everybody Hurts của R.E.M, In the End của Linkin' Park, Live and Let Die của Guns N 'Roses, High Hopes của Panic! at the Disco. Các ca khúc đều nói về sự mong manh của con người giữa cuộc đời. Bốn năm trước, ông sử dụng các bản ballad từ các vở nhạc kịch Broadway như The Phantom of the Opera, Cats và Les Misérables.
Ngoài ra, Trump xây dựng hình ảnh mạnh mẽ, bất khả chiến bại qua các ca khúc Eye Of The Tiger của Survivor, The Best của Tina Turner và We Are The Champions của Queen. Những nhạc phẩm này còn ẩn chứa thông điệp giễu nhại những người theo phe đối lập. Tờ NME bình luận: "Thẩm mỹ âm nhạc Trump sử dụng trong chiến dịch tranh cử năm nay phản ánh tính cách của ông: lạc quan, ngông cuồng, tự cao tự đại". You Can’t Always Get What You Want của The Rolling Stones là bài hát yêu thích của ông trong cả chiến dịch tranh cử năm 2016 và năm nay. Do vướng phản đối về bản quyền, gần đây, ông ngừng sử dụng ca khúc, thay bằng bài disco từ thập niên 1970 - YMCA của Village People.
Video Trump nhảy trên nền nhạc YMCA khi kết thúc một buổi vận động tranh cử gây sốt mạng xã hội. Điệu nhảy trở thành khoảnh khắc vui vẻ hiếm hoi trong một năm tranh cử nhiều thách thức do Covid-19, suy thoái kinh tế và tình trạng bạo loạn chủng tộc. Điệu nhảy thậm chí trở thành một trào lưu trên TikTok, dù ông đã ban lệnh cấm ứng dụng này ở Mỹ, và được nhại lại trên chương trình The Late Show với Stephen Colbert.
Nhóm Village People nói: "Giống như hàng triệu fan của Village People trên toàn thế giới, Tổng thống và những người ủng hộ ông đã thể hiện sự yêu thích thực sự đối với âm nhạc của chúng tôi. Âm nhạc của chúng tôi mang tính phổ quát và chắc chắn mọi người đều có quyền nhảy YMCA, bất kể đảng phái chính trị của họ". Ca khúc từng lập kỷ lục Guinness thế giới khi thu hút 44.000 người nhảy theo tại trận Sun Bowl 2008 ở Texsas (Mỹ), xếp thứ bảy trong danh sách "100 bài hát khiêu vũ vĩ đại nhất thế kỷ 20" của kênh VH1.
Dù vậy, Trump gặp nhiều rắc rối về vấn đề bản quyền do không nhận được nhiều ủng hộ từ giới nghệ sĩ. The Rolling Stones, Queen, Aerosmith, Adele, Neil Young, Linkin' Park đều phản đối ứng viên Đảng Cộng hòa sử dụng nhạc của họ trong chiến dịch tranh cử. Cố ca sĩ Chester Bennington của Linkin' Park từng gọi ông là "mối đe dọa của nước Mỹ". Trong khi đó, Elton John nói ông là người Anh và không muốn âm nhạc của mình dính dáng đến nền chính trị Mỹ.
Hà Thu (NME, The Conversation)