- Cảm nhận của các sinh viên Mỹ như thế nào?
- Nói chung, mọi người đều bất ngờ và thích thú về nền âm nhạc dân gian truyền thống VN. Tôi từng sống ở nhiều nơi trên đất nước VN lại được tiếp thu nền âm nhạc châu Âu nên nguyện vọng của tôi và các đồng nghiệp VN luôn mong muốn âm nhạc là ngôn ngữ không biên giới, nó làm cho con người xích lại gần nhau hơn. Sau buổi biểu diễn có nhiều sinh viên châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đến chúc mừng với hàm ý rằng tôi đã làm cho người Mỹ biết đến một phương Đông có những nét bản sắc mà người phương Tây phải khâm phục. Quả thật tôi cũng rất xúc động trước lời của một vị khách già, bà nói: "Nghe nhạc của anh, tôi xúc động lắm, con tim người mẹ trong tôi đã đồng điệu với hình ảnh người mẹ của anh".
- Xin ông cho biết vài nét về chuyến đi?
- Tôi đến Mỹ theo lời mời chính thức của Đại học Nghệ thuật Chicago. Thời gian trước đây, Nhạc viện TP HCM có đón tiếp một đoàn đại biểu của trường này do GS Kimo Williams dẫn đầu. Họ đề nghị giới thiệu cho đoàn một số nhạc sĩ sáng tác nhạc giao hưởng thính phòng. Nhạc viện TP HCM cũng giới thiệu nhiều người, trong đó tôi có gửi băng cassette và bản Giao hưởng số 3. Tác phẩm này được viết năm 1975, dựng năm 1976 tại thành phố Leningrad trong Hội diễn mùa xuân lần thứ 12.
GS Kimo Williams là một cựu chiến binh từng tham chiến tại VN, sau này cũng viết một tác phẩm khí nhạc về VN. Ông muốn thế hệ trẻ Mỹ (cụ thể là sinh viên trường ông) hiểu biết về âm nhạc VN.
Trong buổi biểu diễn ở Mỹ, tôi giới thiệu hai tác phẩm khí nhạc: Ngũ tấu đàn dây cho 4 cây đàn dây và piano, viết năm 1970 và Scherjo cho piano solo viết năm 1995. Buổi hòa nhạc này đã thành công tốt đẹp.
Tôi cũng có 4 buổi nói chuyện với sinh viên trường này về ngôn ngữ Việt Nam, về các làn điệu dân ca, về ngữ điệu tiếng Việt ảnh hưởng đến các giai điệu âm nhạc Việt Nam và sự phong phú của âm nhạc dân gian Việt Nam.
(Theo TTVH)