Bố già là phim điện ảnh do Trấn Thành viết kịch bản, đóng chính, đồng đạo diễn, xoay quanh cuộc sống của ông Sang và hai con. Để truyền tải câu chuyện gia đình ấm áp, êkíp chú trọng các yếu tố khơi gợi sự đồng cảm của khán giả như bối cảnh, phục trang, đặc biệt là âm nhạc với hai ca khúc về tình cha con.
Bài Sao cha không do Phan Mạnh Quỳnh sáng tác và thể hiện được khán giả yêu thích. Ca khúc có nội dung bám sát phim, khi người con liên tục hỏi vì sao cha không chia sẻ những nỗi buồn, tâm tư với mình. Trong bài hát, người con thương cha nhưng trách: "Tại sao cha không thảnh thơi nhàn hạ/ Nhận về muộn phiền không nói được ra...".
Khoảnh khắc nhạc phẩm vang lên khi phim hé lộ bi kịch của ông Sang (Trấn Thành) được nhiều người xem nhận xét "đắt giá". "Khi giọng anh Quỳnh cất lên trong rạp, tự nhiên mình rơi nước mắt", Ngân Nguyễn bình luận. Ban đầu, Trấn Thành chỉ "đặt hàng" anh viết ca khúc. Thế nhưng sau khi nghe bản nháp do Phan Mạnh Quỳnh thể hiện, anh quyết định sử dụng bản thu này.
Cuối phim, khi ông Sang (Trấn Thành) gặp khúc mắc với con cái, ca khúc Cha già rồi đúng không vang lên cùng hình ảnh ông Sang cô đơn, khiến nhiều người xem bồi hồi.
Bài hát vốn là bản hit của Phạm Hồng Phước, được Trấn Thành sửa lời để phù hợp nội dung phim. Chẳng hạn, bản gốc có đoạn: "Mẹ kể ngày xưa thời đấy trông mẹ đẹp lắm/ Cha con say đắm say đuối nhớ tương hoài tư", Trấn Thành viết: "Khói bay tóc cha trắng, con dần khôn lớn/ Da nhăn, đôi tay sạm nắng, thấy cha già hơn". Anh cho biết dồn tâm tư của một người con để viết, qua đó truyền tải những hồi ức đẹp nhất của gia đình để ai xem phim cũng thấy thấp thoáng bố mẹ mình trong đó.
Giọng hát Ali Hoàng Dương giàu cảm xúc bởi khi thu âm, anh nhớ đến người cha đã mất. Ra mắt từ ngày 16/1, ca khúc đạt hơn bốn triệu lượt xem sau hai tháng. Trên Youtube, nhiều khán giả bình luận sau khi xem Bố già, họ thấm thía hơn về tình cha và tìm nghe ca khúc. Ra mắt từ ngày 16/1, ca khúc đạt hơn bốn triệu lượt xem sau hai tháng.
Ngoài những ca khúc tình cha phù hợp chủ đề, phim sử dụng âm nhạc để khắc họa tính cách, hoàn cảnh sống của các nhân vật. Mở đầu phim, giai điệu ca khúc Sài Gòn đẹp lắm của Y Vân ngân vang, khiến người xem mường tưởng khung cảnh phố phường nhộn nhịp. Thế nhưng phim dẫn dắt khán giả vào con hẻm nhỏ, quanh năm ngập nước triều cường với những tiếng la ó, cãi vã, trò chuyện... Cuộc sống nhộm nhoạm của những người lao động trong hẻm trái ngược với bộ mặt phố thị xa hoa, đẹp đẽ, tạo ấn tượng mạnh cho người xem.
Chiếc cassette của nhân vật Cẩm Lệ (Lê Giang) là điểm nhấn lãng mạn giữa không gian ẩm thấp, u tối của những căn nhà trong hẻm nghèo, được đặc tả trong một phân cảnh. Dù ở năm 2020, Cẩm Lệ vẫn giữ chiếc đài cũ, nghe bản Màu hồng chủ nhật của Connie Kim, được thu trước năm 1975. Ca khúc nói về tâm trạng mong chờ đến ngày hẹn hò của một cô gái. Trong phim, Cẩm Lệ có tình cảm với ông Sang (Trấn Thành) nhưng chưa dám ngỏ lời. Một bản nhạc khác của Connie Kim là Điệp khúc thanh bình cũng được sử dụng khi khắc họa tâm trạng vui vẻ của hai nhân vật.
Đối lập những bản nhạc hoài niệm, khi Quắn (Tuấn Trần) xuất hiện, giai điệu ca khúc Bigcityboi vang lên, phù hợp với lối sống của một vlogger. Anh là con ông Sang, luôn chán ghét cảnh tù túng trong con hẻm, khao khát lối sống xa hoa, hiện đại giống như tinh thần của bản rap. Việc đặt các bản nhạc cũ - mới gắn với hai tuyến nhân vật Cẩm Lệ, ông Sang và Quắn như một cách nêu bật sự khác biệt thế hệ trong phim.
Trấn Thành nói anh nhiều ngày "mất ăn mất ngủ" vì từng chi tiết nhỏ của Bố già, trong đó có phần âm nhạc. Các bài hát trong phim vang lên ở thời điểm hợp lý, góp phần miêu tả tính cách nhân vật, đồng thời đánh thức những dư âm ngọt ngào trong mỗi người xem khi nghĩ về mái ấm, người thân của mình.
Hà Thu