Mặc dù cơ sở vật chất của ĐHDL Đông Đô kém, không đủ tiêu chuẩn làm nơi học tập, nhưng theo biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 12/10/2000, khi bàn đến vấn đề xây dựng trường, ông Nguyễn Văn Bửu nêu kế hoạch: “Không nên lấy tiền của trường ra xây dựng. Tiền đó chuyển sang cổ phần cho anh em, sau đó góp vốn vào xây dựng trường. Cổ phần đó được trả lãi theo luật…”. Ông Lê Văn Chiến nói: “Không phải dùng tiền học phí hằng năm để xây dựng, việc chúng ta phải làm năm nay là tính điểm, bình công để anh em có cổ phần”. Ông Bùi Quang Diệu lại có ý kiến: “Chia ra 7 giai đoạn (theo năm học) cho điểm theo thâm niên và theo chức danh công tác để sau này phiên ra cổ phần”.
Ngày 24/10/2000 trong một cuộc họp tiếp tục bàn về xây dựng trường và bình công điểm cho những người làm việc tại ĐHĐL Đông Đô từ 14/11/1998 đến 24/10/2000, ông Nguyễn Văn Bửu nêu ý kiến: “Phải bàn giao giữa hiệu trưởng cũ với quyền hiệu trưởng mới, nếu không thì Nhà nước thu lại, nhất là tiền từ 14/11/1998 trở về trước”. Ông Trần Hữu Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho ý kiến kết luận: “Xác định một số ít có công lao (không trên 10 người), có quy định rõ quy chế ai được rút ra, rút bao nhiêu phần trăm”.
Từ những toan tính như trên có thể thấy một số người có chức quyền tại ĐHDL Đông Đô có chủ trương chia số tiền nhà trường tích luỹ được sau một số năm hoạt động cho những “cổ đông” không đóng góp một xu nào (đã thừa nhận trong các biên bản khi Bộ GD&ĐT thanh tra tại trường tháng 10/1998).
Với ý đồ đó, ngày 23/7/2001, họ đã rút số tiền hơn 763 triệu đồng để chia chác một cách tù mù, có dấu hiệu của sự chiếm đoạt tài sản tập thể và cá nhân như kết luận số 218 của Thanh tra Bộ khẳng định.
Nếu không bị phát giác và ngăn chặn kịp thời, họ sẽ còn tiếp tục thực hiện việc bình công, tính điểm để rút dần số tiền tích luỹ được ghi trong nghị quyết 12/2/2001 gồm 6 giai đoạn với lời ghi: “Việc bình công, chấm điểm công lao được thực hiện cho từng giai đoạn riêng rẽ và cho những người tham gia công tác tại trường trong giai đoạn đó”.
(Theo Tiền Phong)