Khi nói đến âm cuối, mọi người cùng hiểu âm cuối là phụ âm, bao gồm phụ âm vô thanh (/p/, /t/, /k/, /f/…) và hữu thanh (/b/, /d/, /g/, /v/…).
Trong tiếng Việt, âm cuối bao gồm cả vô thanh (như /t/ trong chữ “tốt”) và hữu thanh (như /n/ trong chữ “bán”). Hầu hết người Việt Nam gặp khó khăn với âm cuối khi gặp phải những trường hợp không có trong tiếng Việt.
1. Khi phụ âm cuối “quen” kết hợp với một nguyên âm “lạ”
Nếu muốn nói mình thích dòng máy “Mac” (I like the Mac), các bạn không gặp vấn đề gì với phát âm /k/ ở cuối trong từ “Mac”, nhưng lại gặp vấn đề với âm cuối trong từ “like”. Tại sao vậy?
Vì âm /k/ đứng cuối tồn tại trong tiếng Việt nếu bạn kết hợp với âm /a/ - “mác” (gần giống âm /æ/ trong từ “Mac”); nhưng nó không tồn tại khi kết hợp với âm /ai/. Người Việt mình chỉ có “lai”, chứ không có “lai-k” (like). Do đó, chúng ta thường gặp khó khăn với những kết hợp kiểu này.
Một trường hợp thú vị nữa, từ “goat” (con dê) thường được đơn giản đọc là “gốt”. Cách phát âm gần chuẩn phải là “gâu-t” (vì âm /oʊ/ phát âm gần giống “âu” trong tiếng Việt). Vậy, tại sao chúng ta không nói là “gâu-t” mà lại nói thành “gốt”? Đơn giản là cụm “âu-t” không tồn tại trong tiếng Việt.
Trường hợp này, để đảm bảo âm cuối, chúng ta “hy sinh” sự chính xác của nguyên âm để đọc cho thuận miệng. Lỗi kiểu này thường không gây khó khăn nhiều cho người bản xứ khi nghe chúng ta nói, nhưng có thể gây khó khăn cho người Việt khi nghe người bản xứ nói chuẩn “gâu-t”.
2. Những âm cuối không có trong tiếng Việt
Hầu hết người Việt sẽ phát âm từ “pull” là “pun”. Âm /l/ đứng cuối không tồn tại trong tiếng Việt dẫn tới sự “Việt hóa” bằng cách chuyển đổi âm cuối thành các âm quen thuộc. Dưới đây là một số ví dụ:
- Âm /l/ bị biến nành /n/: pull (pun), ball (bôn), steel (xờ-tin)
- Âm /b/ bị biến thành /p/: rob (rốp), Bob (bốp), cub (cắp)
- Âm /d/ bị biến thành /t/: seed (sít), made (mết), feed (phít)
- Âm /g/ bị biến thành /k/: dog (đóc), lag (lác), bag (béc)
- Âm /s/, /z/, /ʃ/, /ʒ/ bị biến thành /t/ (hoặc biến mất: kiss (kít), rose (râu), cash (két), massage (mát-xa)
- Âm /tʃ/, /dʒ/ bị biến thành “ch” hoặc “t”: each (ích), age (ết)
- Âm “th” bị biến thành “t”: bath (bát), bathe (bết)
3. Cụm phụ âm đứng cuối
Đối với các cụm phụ âm phức tạp hơn, ví dụ /ks/ trong từ “six” hoặc /sps/ trong “crisps” người Việt thường đơn giản hóa bằng cách biến đổi âm hoặc không phát. Dưới đây là những cụm từ đứng cuối khiến người Việt “trẹo miệng” khi phát âm:
- /ks/ như trong six, box; /gz/ như trong dogs
- /ld/, /lt/như trong build, built
- crisps /sps/; drafts /fts/; lists /sts/…
Lời khuyên cho người học tiếng Anh là luôn để ý tới các âm cuối trong tiếng Anh. Với hầu hết âm cuối, mọi người sẽ làm được nếu chịu khó để ý một chút. Khi luyện tập nói, hãy phát âm cuối thật rõ ràng, ví dụ, thay vì nói dog - hãy nói doggggg. Như vậy, trong giao tiếp thực tế, các bạn sẽ quen dần với âm cuối đó.
Một số âm cuối thực sự là “tongue twisting” cho người Việt Nam, ví dụ cụm /sps/ như trong “crisps” hay /gz/ trong “dogs”, thì ngoài việc để ý, bạn cần tập luyện. Nếu không thể làm được, sự hỗ trợ của các chuyên gia là cần thiết.
Việc nói thiếu âm cuối (hoặc không nghe được âm cuối) có thể gây hiểu nhầm như trong ví dụ dưới đây:
Nói tiếng Anh chuẩn, nghe tiếng Anh tốt đôi khi bắt đầu từ những điều rất nhỏ. Chú trọng vào âm cuối là một trong những điều rất nhỏ ấy. Hãy chống lại những “cám dỗ” của việc Việt hóa tiếng Anh một cách thành công.
Quang Nguyen