Đã lâu rồi tôi theo chồng về phố, mua bán bon chen với những đồng tiền mướt mồ hôi. Những ngày giáp Tết, phố phường càng trở nên tấp nập, xe cộ đông đúc, đường phố chen lấn đến từng bước chân. Chợt tôi nhớ tuổi thơ yên bình trên con đường làng, trên cánh đồng quê bát ngát, nhớ con ngõ nhỏ vào nhà rợp bóng thầu đâu, nhớ mái nhà tranh cũ đơn sơ của hai bà cháu.
Mẹ mất, tôi theo bà về ở trong mái nhà tranh cũ đã hơn nhiều năm. Trong nhà chẳng có gì đáng giá, chỉ có chiếc giường tre là tài sản duy nhất của bà. Không biết chiếc giường tre đó có từ bao giờ, nhưng từ thuở bé mãi đến tận khi lớn lên tôi vẫn cùng bà chen chúc trên chiếc giường tre đó. Mỗi buổi sáng thức dậy, bà tôi đi chăm đàn gà đàn vịt thì tôi ngồi trên giường ê a đọc bài. Chiếc giường cũng là nơi để bà cháu tôi dọn cơm ăn mỗi bữa. Bữa cơm nhà nghèo vắng thịt cá, chỉ toàn rau rừng thôi nhưng tôi vẫn lớn lên khỏe mạnh, học giỏi nên lúc nào tôi cũng thấy bà cười. Sau này lớn lên tôi mới hiểu, trước mặt tôi bà luôn cười lạc quan, đó như cái cách mà bà đã dạy cho tôi về tính nghị lực để sống trong cuộc đời.
Ngày xưa miền núi quê tôi chưa có điện, tối thường đi ngủ sớm. Bà hay ôm lấy tôi, phủ lên tôi chút hơi ấm hom hem. Bà vuốt tóc tôi rồi lại kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích, bà lại hát cho tôi nghe những câu ca mà đến bây giờ tôi vẫn thuộc nằm lòng. Lớn lên một chút, khi tôi đang trở thành thiếu nữ thì mỗi buổi chiều bà bảo tôi khiêng chiếc giường tre ra sân để tôi nằm trên đó và gội đầu cho tôi. Nhà có mỗi một chiếc giường tre nên bà cháu tôi cứ khiêng ra khiêng vào. Chiều 30 Tết năm nào cũng vậy, bà vẫn gội đầu cho tôi bằng nồi nước bồ kết bà nấu với lá chanh. Đêm giao thừa, góc bếp nhà tôi sáng rực bởi nồi bánh chưng đang sôi sùng sục trên bếp. Tôi lấy tấm chiếu trãi bên cạnh bếp để nằm thức với bà canh nồi bánh chưng.
Những ngày cuối năm, tôi cùng bà đi hái lá về làm bánh, bà vẫn miệt mài chọn những tàu lá tươi xanh non, còn tôi vẫn rong ruổi trên con đường quê quen thuộc, với những đám mạ xanh rì, với đồi lau trắng muốt…
Sáng mùng 1 Tết, bà tôi thường ngồi chải tóc trước hiên nhà, mái tóc bà đen dài óng ả dài quá lưng, mượt mà trộn lẫn hương hoa. Mắt bà vẫn hướng ra ngõ, nhìn xa xăm như trông đợi điều gì quen thuộc.
Năm tháng dần trôi qua, tình yêu của bà nơi miền quê yêu dấu đã âm thầm ôm vào lòng tiếng cười khúc khích của tuổi thơ tôi đến nụ cười bẽn lẽn thẹn thùng của cô gái tuổi vừa đôi tám. Bây giờ, tôi đã có gia đình riêng, theo chồng về phố đã hơn sáu năm nay, bỏ lại sau lưng bao cái Tết của tuổi thơ, chiếc giường tre của bà đã rộng rãi hơn vì chỉ còn có mình bà đi ra đi vào.
Hôm qua bà gọi điện hỏi: “tết này, cháu có về quê không?”. Chợt giật mình nghĩ lại, bao năm theo chồng, là bấy nhiêu năm ăn tết ở quê chồng, chạnh lòng nhớ bà đã già chỉ ăn tết một mình nơi quê nghèo quạnh quẽ. Bỗng dưng thấy lòng bồn chồn chẳng yên tôi trả lời lại bà dứt khoát “tết này cháu sẽ về quê”
Tiếng cười của bà hôm qua trong điện thoại vẫn con văng vẳng bên tai, bà sẽ mừng lắm khi biết Tết này tôi sẽ về để những ngày cuối năm được cùng bà lên đồi hái lá gai về làm bánh, cùng bà đi cắt lá chuối gói bánh chưng. Và sẽ được nằm trên chiếc giường tre, thả mái tóc dài vào chậu nước bồ kết, để đôi bàn tay yêu thương của bà đan vào từng sợi tóc và gội đầu cho tôi. Và hơn thế nữa, để được cùng bà ngồi trên chiếc giường tre đã cũ, têm cho bà những miếng trầu bằng tất cả yêu thương, và chắc rằng bà tôi sẽ hạnh phúc lắm khi ôm đứa cháu xa quê lâu ngày trong vòng tay ấm áp của bà nằm trên chiếc giường tre cũ. Với tôi, chẳng thể có hạnh phúc, có yêu thương nào hơn thế nữa.
Đoàn Thị Hương Huệ
Cuộc thi “Thời khắc yêu thương” do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. Độc giả gửi bài tham dự tại đây. |