Trevor Taylor, tài xế làm tại nhà sản xuất bánh Homegrown tại Seattle (Mỹ), đã quyết định cùng đồng nghiệp đình công để phản đối việc lắp camera AI trong xe.
Giữa tháng 8, Homegrown thông báo việc lắp camera giám sát trên các phương tiện của công ty. Những tài xế như Taylor ban đầu hoàn toàn đồng tình, vì nghĩ rằng đó chỉ là một camera hành trình thông thường và chúng sẽ hữu ích trong trường hợp xảy ra sự cố. Tuy nhiên, điều họ không ngờ tới là chiếc camera này thay vì hướng ra đường, lại hướng thẳng về phía tài xế.
"Tôi thấy mình như bị nhắm mục tiêu. Kiểu quản lý này gây mất tinh thần, khiến tôi cảm thấy bị sỉ nhục và tạo ra một môi trường làm việc độc hại", Taylor nói với Seattle Times.
Theo mô tả của tài xế, đó là một chiếc máy quay có kích thước khoảng 4 inch, được trang bị công nghệ AI với khả năng nhận dạng khuôn mặt, theo dõi từng chuyển động của mắt cùng micro tích hợp. Seattle Times sau đó đã tìm hiểu và cho biết camera này có tên Hawk, do công ty Foresight Analytics sản xuất. Sản phẩm được giới thiệu là sẽ thu thập dữ liệu và phản hồi với tài xế về thói quen lái xe của họ, nhằm mục đích tăng cường mức độ an toàn.
Khi đặt câu hỏi với Homegrown, Taylor được trả lời rằng việc lắp thiết bị này sẽ giúp giảm các chi phí bảo hiểm. Tuy nhiên, anh nhận thấy sự bất thường khi đội xe của anh phải lắp chúng, trong khi một số đội xe khác thì không.
"Một trong những điều thu hút tôi đến với công ty là vì nghĩ họ tin tưởng các tài xế, tin chúng tôi là chuyên gia trong lĩnh vực của mình", Taylor nói, và cho biết việc bị giám sát bằng AI đã mang đến "cảm giác thật nặng nề".
Manya Janowitz, nữ tài xế đã làm việc hai năm tại Homegrown, đánh giá hành động của công ty là "xâm phạm, ám ảnh, gây rùng mình", khi những người như cô hàng ngày phải làm việc 7-10 tiếng dưới sự theo dõi của camera trí tuệ nhân tạo. "Đó là cảm giác vô cùng bị xâm phạm khi bạn phải ngồi trong xe nhiều giờ liền, và từng chuyển động của ánh mắt đều được theo dõi. Chúng tôi biết cách để làm tốt công việc của mình", Janowitz nói.
Không chỉ Homegrown, ngày càng nhiều công ty sử dụng công nghệ để theo dõi hiệu suất làm việc của nhân viên. Công ty giao hàng UPS lắp đặt camera trực diện để giám sát lái xe. Amazon cũng từng nhiều lần bị phản đối bởi việc dùng camera theo dõi để phạt tài xế.
Theo Ifeoma Ajunwa, giáo sư luật tại Đại học Bắc Carolina, tình trạng này là do các tiến bộ công nghệ đã đi nhanh hơn các điều luật về bảo mật. "Những tiến bộ trong các một số lĩnh vực như phân tích dữ liệu lớn, thu thập thông tin liên lạc, thiết kế sản phẩm di động, xét nghiệm DNA, sinh trắc học, đã mở rộng đáng kể năng lực giám sát công nhân", ông nói.
Để chống lại việc theo dõi, những tài xế như Taylor, Janowitz quyết định đình công. Trong thông báo hôm 26/8, họ cho biết đã dành chiến thắng và được phép dùng tấm che đặt lên trên camera. "Chúng tôi tự hào vì mình đã thực hiện cuộc chiến đầu tiên chống lại sự giám sát", Janowitz nói.
Anita Seth, Chủ tịch công đoàn Unite Here Local 8 - đại diện cho các công nhân tại Homegrown, đánh giá chiến thắng cho thấy người lao động có thể bảo vệ quyền riêng tư cũng như sự tôn trọng với họ, đồng thời sẽ không có công nhân nào đáng phải chịu sự xâm phạm và giám sát liên tục như vậy.
Lưu Quý (theo Vice, Seattle Times)