Yayat Abdurahman từng tràn trề hy vọng rằng ông sẽ là người chiến thắng trong số 245.000 ứng viên trong cuộc tổng tuyển cử ở Indonesia hôm 17/4. Thế nhưng giấc mơ vào cơ quan công quyền của ông đang phai mờ nhanh chóng khi việc kiểm phiếu dần hoàn tất.
Quá căng thẳng và áp lực, Yayat tới trung tâm phục hồi của đạo Hồi, nơi một giáo sĩ thực hiện nghi lễ tẩy trần và khấn nguyện cho tương lai của ông. "Ban đầu tôi rất lạc quan và cảm thấy tự tin. Tôi đã nghĩ rằng 'tôi phải thắng, tôi phải giành được nhiều phiếu nhất'. Nhưng bây giờ tôi ngày càng nghi ngờ về điều đó", Yayat nói.
Nếu Yayat thua khi quốc gia có phần lớn dân số là đạo Hồi công bố kết quả bầu cử chính thức vào tháng tới, ông cũng không phải người duy nhất. Hơn 200.000 ứng viên trong cuộc bầu cử lớn nhất từ trước đến nay ở Indonesia cũng sẽ bỏ lỡ mục tiêu của họ, thất nghiệp và gánh những khoản nợ lớn.
"Họ bị căng thẳng, họ không thể ngủ. Họ cạn tiền và không biết làm cách nào để trả các khoản nợ", Ujang Busthomi, người đứng đầu trung tâm phục hồi ở thành phố Cirebon, tỉnh Tây Java cho hay. Yayat cùng một số ứng viên đang được điều trị tại trung tâm này.
Các bệnh viện trên toàn quốc đang chuẩn bị tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân tới điều trị căng thẳng, trầm cảm và các bệnh khác sau cuộc tổng tuyển cử. Một trong số đó là bệnh viện tâm thần Dadi ở Makassar trên đảo Sulawesi, nơi đã tiến hành tu sửa trước bầu cử để sẵn sàng điều trị cho các ứng viên chịu tổn thương.
"Trong các cuộc bầu cử lập pháp gần đây nhất, có những ứng viên được đưa vào bệnh viện vì rối loạn tâm thần hoặc trầm cảm sau khi không trúng cử", Arman Bausat, giám đốc bệnh viện Dadi cho biết. "Mỗi khi có bầu cử, một số ứng viên lại phải nhập viện".
Dù chính trị gia ở các nước khác cũng có những mối lo lắng sau bầu cử, thể chế ở Indonesia khiến tình trạng này còn nghiêm trọng hơn. Ứng viên không nhận được hỗ trợ tài chính từ các đảng và họ phải tự bỏ tiền túi để chạy đua tranh cử. Họ phải cạnh tranh với các đối thủ và các thành viên trong đảng, những người họ có thể thân thiết về quan hệ cá nhân hoặc chính trị. Ngay cả đối với những người đắc cử, họ thậm chí có thể phải dùng tiền hối lộ để trả các khoản nợ chiến dịch lớn.
Rasmi Sikati hiểu rõ sự cay đắng của thất bại chính trị. Người phụ nữ 38 tuổi đã hủy tư cách ứng viên của mình trong cuộc bầu cử năm nay sau khi ngẫm lại thời gian, năng lượng và tiền bạc cô đã đổ vào chiến dịch thất bại trong cuộc bầu cử lập pháp địa phương năm 2014.
"Số tiền tôi phải bỏ ra không hề nhỏ, đó là hàng triệu rupiah (hàng nghìn USD)", Sikati nói. "Nhưng đó không là gì so với lòng tự trọng của tôi. Tôi cảm thấy xấu hổ và tổn thương. Đó là gánh nặng tâm lý nặng nề nhất".
Những người có khả năng thua cuộc trong cuộc bầu cử năm nay bao gồm ứng viên tổng thống Prabowo Subianto, 67 tuổi, người nhiều lần tuyên bố ông giành chiến thắng trong cuộc cuộc thăm dò tuần trước, bất chấp bằng chứng rõ ràng ràng ông đã thua Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo. Dù vậy, gánh nặng tài chính không phải vấn đề đối với cựu tướng giàu có này.
Tuy nhiên, đối với nhiều người trong số các ứng viên chạy đua vào 24.000 vị trí lập pháp ở quốc hội và địa phương, đó lại là một câu chuyện khác. Nhiều người đã phải vay tiền hoặc bán tài sản để tài trợ cho chiến dịch tranh cử. Một số ứng viên đang chờ đợi kết quả cuối cùng để biết vận mệnh của mình.
Akhmad Batara Parenta, 40 tuổi, chưa sẵn sàng thừa nhận thất bại, dù đảng của ông dường như không đạt tới ngưỡng tối thiểu của quốc hội, đồng nghĩa với việc ông không có vị trí tại cơ quan công quyền vào tháng tới.
"Tôi vẫn lạc quan vì không phải tất cả số phiếu đã được kiểm. Các ứng viên khác nên giữ bình tĩnh vì ngay cả khi họ thất bại thì cũng không sao cả", ứng viên này cho hay.
Huyền Lê (Theo AFP)