Cô gái 20 tuổi bắt đầu "biết mình xấu" từ hồi cấp 1 bởi mỗi lần lớp biểu diễn văn nghệ hay diễu hành đều bị cô giáo xếp sau cùng. "Các bạn bảo tôi môi như miếng thịt trâu. Bố tôi thì bảo sinh được mỗi cô con gái mà xấu. Tôi tin mình xấu thật", Trúc nói.
Cô ghét bản thân đến độ không buồn soi gương, đi đâu cũng đeo khẩu trang, không dám xuất hiện nơi đông người và sợ đến lớp. Cô từng làm đau bản thân, thậm chí ước "hay chết đi" để đến mọi nơi mình muốn mà chẳng sợ lời dè bỉu.
Những người ám ảnh về khuyết điểm cơ thể được cho là mắc hội chứng mặc cảm ngoại hình (hội chứng sợ xấu - BDD), một rối loạn tâm thần. Theo nghiên cứu, tỷ lệ mắc bệnh BDD trong dân số thế giới dao động 0,7%-2,4%.
Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục (Hà Nội) cho rằng khi xã hội ngày càng coi trọng hình thức, mức độ ám ảnh ngoại hình của con người càng cao. "Coi trọng ngoại hình là đương nhiên, vì rõ ràng có hình thức đẹp, mọi thứ thuận lợi hơn", bà Nga nói.
Phụ nữ là những người dễ ám ảnh ngoại hình nhất, theo chuyên gia. Có nhiều người trẻ, chỉ một bộ phận trên cơ thể không như mong đợi như mũi hơi to, chân hơi cong cũng nghĩ mình xấu xí.
Trong một hội thảo về phẫu thuật thẩm mỹ năm 2019, chuyên gia cho hay, mỗi năm, chỉ tính riêng ở TP HCM có khoảng 250.000 người quyết định can thiệp dao kéo, trong đó có 100.000 người ở độ tuổi 25-35 tuổi. Bên cạnh đó, độ tuổi can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng trẻ hóa, khoảng 18-19 tuổi.
Khảo sát của VnExpress với 2.000 độc giả, 30% ủng hộ phẫu thuật thẩm mỹ vì "ai cũng có quyền làm đẹp". Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, thường xuyên phải từ chối các khách nữ có nhu cầu can thiệp thẩm mỹ vì thấy vẻ ngoài của người đó không đến mức phải chỉnh sửa.
"Phẫu thuật để đẹp hơn chứ không phải để hoàn hảo. Không ít người nằng nặc cho rằng chỗ này của mình xấu, chỗ kia không chấp nhận được, trong khi người ngoài không hề để ý đến, thậm chí còn cho đó là đẹp, là có duyên", bà Dung nói.
Manish Shah, chuyên gia thẩm mỹ của Hiệp hội phẫu thuật tạo hình và tái tạo Mỹ (ASPS) cho rằng số ca thẩm mỹ gia tăng đi liền với "kỷ nguyên selfie" và vấn nạn bắt nạt online. "Chỉ một chút chưa hoàn hảo trên khuôn mặt cũng khiến giới trẻ bất an mỗi khi chụp ảnh hay tương tác trên mạng xã hội", vị này nói.
Ngoài sự nhạy cảm của cá nhân khiến họ trầm trọng hóa các khuyết điểm của mình, thì cách những người xung quanh chê bai ngoại hình, như một dạng bạo lực tinh thần, khiến người khác ám ảnh về vẻ bề ngoài.
Anh Thư, 30 tuổi, tìm đến chuyên gia tâm lý trong tình trạng đờ đẫn, mất ăn, mất ngủ, không muốn quay lại với công việc dù đã sinh con hơn một năm. "Trước đây thân hình em như người mẫu, nhưng giờ tăng tới 30kg, không làm sao giảm được", chị than thở với chuyên gia.
Người mẹ trẻ làm dâu một gia đình khá giả. Mẹ chồng chị ngoài 50 tuổi nhưng dáng như thiếu nữ và rất trau chuốt hình thức. Thấy con dâu tăng cân sau sinh, bà sốt sắng khuyên nên giảm cân cấp tốc kẻo chồng chê. Chị lập tức đặt lịch tập gym, ăn chỉ rau xanh và hoa quả. Nhưng vì con nhỏ, Anh Thư đi tập không đều, cân nặng không giảm mà cô lại mất sữa.
"Mẹ chồng lại trách ăn uống kiêng khem khiến con mất sữa, tôi thấy đó là lỗi của mình nên càng căng thẳng", cô nói. Anh Thư càng tin mình xấu xí khi chồng không còn rủ đi chơi cùng bạn bè như trước.
Tiếp xúc với chị Anh Thư, bà Lã Linh Nga thấy dù tăng cân, nhưng với chiều cao 1,7 m, chị chỉ "không chuẩn người mẫu" như trước, chứ không hề xấu. "Chính cách những người xung quanh nhận xét về họ khiến chị em mặc định mình xấu", bà Nga nói.
Theo bà Nga, cách xã hội đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe về vẻ đẹp ngoại hình, như tỷ lệ vàng, số đo ba vòng tác động lớn đến tâm lý phụ nữ. "Khi xã hội quá đề cao cái chuẩn cái đẹp, áp đặt nhiều tiêu chí lên phụ nữ, thay vì coi trọng sự đa dạng hình thể và các giá trị ngoài hình thức, phụ nữ càng dễ ám ảnh ngoại hình", bà Nga nói.
Người Việt Nam vốn đề cao ngoại hình hơn các nước khác. Năm 2017, YouGov từng tiến hành khảo sát Nam - nữ quan tâm gì ở đối tượng hẹn hò với 6 tiêu chí: tính cách, ngoại hình, sở thích, thông minh, hài hước, thu nhập tốt.
Kết quả, trong 20 quốc gia, vùng lãnh thổ có người tham gia khảo sát, 54% đàn ông Việt lựa chọn ngoại hình, trong khi chỉ có 21% phụ nữ coi đó là ưu tiên hàng đầu. Nam giới Việt là nhóm duy nhất xem trọng ngoại hình hơn phẩm chất trong quan hệ yêu đương. Tuy không chiếm tỉ lệ vượt trội như phái mạnh, phụ nữ Việt cũng coi trọng ngoại hình của đối tượng hơn so với phụ nữ thế giới.
Tỉ lệ cả nam và nữ giới chọn yếu tố "tính cách" là yếu tố quan trọng nhất là 52%. Tại Đan Mạch, con số này là 69%, Phần Lan là 59%, Đức là 56% và Việt Nam là 33%.
Thùy Trâm cho rằng vì ngoại hình của mình không bắt mắt nên 30 tuổi vẫn không có chàng trai nào để ý, dù cô có thu nhập khá, gia đình cơ bản và được nhận xét tốt bụng. "Có anh nhắn tin cho tôi trên mạng xã hội rồi hẹn gặp. Khi nhìn thấy nhau, anh ấy bảo em khác trong hình nhỉ, rồi lặn mất", cô nói.
Nhiều lần rơi vào cảnh trên hoặc tỏ tình bị từ chối, Thùy Trâm không còn quan tâm đến chuyện yêu đương, cô tập trung cho sự nghiệp để thăng tiến và có tiền cải thiện nhan sắc. "Đôi khi đẹp đã gần vạch đích hơn người bình thường nỗ lực cả đời", Trâm nói.
Trong khi Trâm và Thủy Trúc còn mãi tin vào thất bại về hình thức, dự định sẽ phẫu thuật thẩm mỹ, bà mẹ trẻ Anh Thư được tư vấn để thay đổi suy nghĩ. Chuyên gia khuyến khích cô tập trung vào các điểm mạnh của bản thân, động viên ăn uống, thể dục điều độ hơn và đi làm trở lại. Bà Nga cũng mời mẹ chồng và chồng Thư đến để chia sẻ những khó khăn cô đang trải qua để hỗ trợ và đồng hành.
Nhờ vậy, Thư yêu bản thân hơn, nhận ra những thay đổi chỉ là tạm thời và sự thay đổi này tạo ra giá trị tuyệt vời, là đứa con, sợi dây kết nối của gia đình. Sau ba tháng, cô giảm cân đáng kể và dần thấy yêu đời. "Hóa ra đẹp hay xấu không phải ở cách người khác nghĩ, mà là do cách mình cảm nhận về bản thân", cô vỡ ra.
Thạc sĩ Lã Linh Nga cho rằng để chấm dứt nỗi ám ảnh ngoại hình của phụ nữ, xã hội cần đề cao các giá trị khác của họ và hiểu những nguy cơ mà hội chứng này gây lên. "Ngay từ trong trường học, cần tích cực loại bỏ thói miệt thị ngoại hình và có hình phạt thật nặng với những trường hợp như vậy", bà nói.
Góc độ gia đình, cha mẹ cần chú ý lời nói với con, tránh ảnh hưởng tâm lý. Đôi khi những lời chê bai, nhận xét vì muốn con tốt lên, nhưng sẽ khiến trẻ quá quan tâm chuyện xấu, đẹp dẫn đến ám ảnh. Đặc điểm cơ thể mỗi người mỗi khác nên không thể áp chuẩn của người này lên người kia. Thay vì chê bai, cha mẹ khuyến khích con biết chăm sóc bản thân, yêu bản thân để làm mình đẹp hơn.
Tương tự, trong giai đoạn vợ mới sinh hay ốm đau, người chồng không nên chê bai hoặc hành xử thiếu tế nhị, khiến họ tổn thương.
"Cá nhân phụ nữ cũng cần luôn trân trọng các giá trị khác của bản thân và sự đa dạng về vẻ đẹp ngoại hình. Bạn cũng nên lên tiếng tìm sự giúp đỡ nếu ám ảnh vẻ ngoài, thay vì co cụm lại", bà Nga khuyên.
Bà Việt Dung khuyên bên cạnh chế độ ăn ngủ điều độ, thể thao hợp lý và chăm sóc da đúng cách, giữ tinh thần lạc quan, tự tin và vui vẻ là cách giúp chị em luôn đẹp trong mắt người đối diện. "Cùng là cô ấy thôi, nhưng tự tin và tươi tắn thì sẽ đẹp hơn nhiều", chuyên gia khuyên.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Phạm Nga