"Tôi và đồng nghiệp hay nói mưa và kẹt xe là bộ đôi hủy diệt giờ tan tầm ở TP HCM", Zach, giáo viên người Mỹ ở quận Phú Nhuận nói.
16h30, anh cho học sinh ra về rồi rút từ balo đôi dép nhựa để thay cho giày bởi biết sẽ phải lội qua những quãng nước ngập. Việc luôn có đôi dép nhựa bên mình là "kinh nghiệm sinh tồn" anh rút ra sau vài tháng sống ở Việt Nam. Sang đây chưa được một năm nên Zach nói chưa đủ dũng cảm để tự chạy xe máy. Anh đi bộ nhanh nhất có thể, lách qua dòng người đông đúc trước cổng trường để tìm chỗ đặt xe ôm công nghệ.
"Tôi phải đứng tách khỏi đám đông thì tài xế mới tìm được", anh tiết lộ kinh nghiệm. "Giao thông trong giờ cao điểm khá hỗn loạn".
Zach nhớ giai đoạn đầu mới đến TP HCM rất bất ngờ khi thấy nhiều người chạy xe máy trên vỉa hè do không muốn bị chôn chân giữa dòng giao thông kẹt cứng. Ở bang Oregon, quê hương Zach, người đi bộ sang đường nơi không có vạch kẻ đường là sai luật nhưng trên đường phố Việt Nam, anh nhận thấy điều này không thật sự quan trọng.
Chàng trai người Mỹ cố bám chặt yên xe để thân người to lớn không bị ngã nhào khi tài xế rồ ga nhích khỏi dòng xe, thi thoảng họ phanh gấp tránh người đi bộ.
Quãng đường 6,5 km từ trường ở quận Gò Vấp về căn hộ của Zach thường mất 40 phút trong giờ cao điểm, thay vì 20 phút như bình thường. Nếu ngày mưa, anh sẽ về nhà sau một tiếng.
"Mệt, đói, ướt sũng và không đủ năng lượng làm gì khác và chỉ muốn nằm", anh nói. "Một vài người bạn khuyên tôi giao thông Việt Nam như dòng sông, hãy cố đi theo quy luật chuyển dịch của dòng người và xe máy".
Ông Marcel Lennartz, 53 tuổi, kỹ sư người Hà Lan sống trên nút kẹt xe đường Cộng Hòa 14 năm trong khi công ty nằm ở đường Phùng Khắc Khoan, quận 1, TP HCM cách đó 7 km. "Ồn ào, ô nhiễm thường đạt đỉnh vào lúc 16h30 đến 18h30", ông nói.
Marcel từng trải nghiệm tình trạng kẹt xe tồi tệ ở Manila, Philippines nơi mà việc đi bộ về nhà luôn nhanh hơn ôtô trong giờ cao điểm. Nhưng ở Việt Nam, kẹt xe đồng nghĩa với mắc kẹt trong tiếng ồn còi xe máy và khói bụi.
"Còi xe chỉ làm tăng lên sự khó chịu", ông nói. "Tài xế hiếm khi nhường đường, họ chỉ biết lợi ích của mình bất chấp lưu thông chung khi đứng kín lối rẽ phải ở những ngã tư được phép rẽ".
Ông nói giờ tan tầm trong mùa mưa có mức độ kinh khủng tăng lên hàng chục lần. "Xe máy của tôi như chiếc tàu ngầm rẽ sóng nhưng có thể chết bất kỳ lúc nào", Marcel ví von với nụ cười méo xệch.
Người đàn ông có 29 năm ở Việt Nam thường có hai phương án để né giờ tan tầm. Ông ở lại văn phòng đến tối khi giao thông đã vãn bớt. Trong trường hợp buộc phải ra đường, Marcel sẽ cố gắng "chặt hẻm" (đi vào các con hẻm nhỏ để tránh điểm kẹt xe) như cách người Việt hay làm. Cách đi này thường phải chấp nhận quãng đường xa hơn nhưng sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian.
Khảo sát nhanh của VnExpress với một số người nước ngoài đang sinh sống ở TP HCM, tất cả đều cho biết giao thông, đặc biệt là giờ tan tầm là nỗi sợ, khó chịu lớn nhất của họ.
Theo thống kê đến cuối năm 2023, TP HCM có hơn 9,2 triệu phương tiện, trong đó gần 8,3 triệu xe máy, tăng 4,64% so với 2022. PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông - ĐH Bách Khoa TP HCM tính toán quỹ mặt đường của thành phố không đủ chứa 75-80% lượng xe máy hoạt động nên kẹt xe là điều tất yếu.
Khảo sát khách hàng của Move to Asia, công ty chuyên tư vấn, hỗ trợ người nước ngoài đầu tư, làm việc và định cư ở châu Á, cho thấy giao thông và ngôn ngữ là hai rào cản lớn nhất đối với người nước ngoài ở Việt Nam. "Đặc biệt, với những người mới đến TP HCM và Hà Nội, tình trạng kẹt xe, văn hóa giao thông dễ khiến họ bị sốc và cân nhắc về mong muốn định cư", ông Guillaume, giám đốc Move to Asia, nói.
Sam, 33 tuổi, ở quận Tân Phú, vẫn nhớ lần đầu "tim đập, chân run" khi muốn qua đường ở Việt Nam trong giờ cao điểm.
Sam chọn Việt Nam để sống sau khi du lịch qua 51 quốc gia nhưng anh vẫn bị sốc trước những con đường chật cứng xe máy, ôtô và người đi bộ. Chàng trai người Anh lo lắng mình sẽ bị tông trúng nếu cứ chậm chạp loay hoay và do dự giữa dòng xe.
"Thật khó để tìm ra quy tắc, dù tôi chỉ muốn sang đường để dạo phố", anh nói. "Vỉa hè cũng là nơi lưu thông của xe máy trong trong giờ tan tầm".
Anh dần bỏ thói quen tản bộ để tìm quán ăn tối mà thường ra đường sau 19h.
Nhưng sau hai năm, Sam nói nỗi sợ trên dần vơi khi anh hiểu ra cách mà người Việt Nam lưu thông. Để qua đường, những nơi có vạch kẻ đường là lý tưởng nhất nhưng nếu không có, anh giữ bình tĩnh, giao tiếp bằng mắt với người đi xe, giơ tay xin đường họ.
"Đây là kỹ năng sống rất cơ bản ở Việt Nam", Sam kể. "Bạn bè Mỹ và Australia của tôi rất phấn khích khi được tôi chia sẻ cách qua đường".
Vài năm qua, ông Lennartz chuyển sang sống ở TP Thủ Đức, giảm thiểu thời gian đến công ty. Người đàn ông Hà Lan nói cầu Ba Son nối giữa quận 1 và TP Thủ Đức là một điểm sáng của giao thông TP HCM gần đây.
"Tôi mong tình hình sẽ được cải thiện nhiều hơn nữa", ông nói.