Donald Trump từng bôi nhọ người Mexico và người Hồi giáo, đe dọa phá vỡ các quy định quốc tế về hành vi tra tấn và thể hiện một tư duy sai lệch đối với tự do báo chí, theo Huffington Post. Nhưng không hành động hay biểu hiện nào của nhà tài phiệt New York khiến nước Mỹ lo lắng hơn việc ông luôn giữ thái độ bình thản khi nói về vũ khí hạt nhân.
Hôm qua, người dẫn chương trình Joe Scarborough thuộc kênh MSNBC có cuộc trò chuyện trên truyền hình với cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Michael Hayden. Trong lúc thảo luận về các vấn đề an ninh quốc gia, Hayden cho hay ông không biết gì về những chuyên gia nổi tiếng cộng tác với ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Lập tức, Scarborough nhảy vào và bàn về những bình luận liên quan đến vũ khí hạt nhân của ông Trump.
"Một chuyên gia chính sách đối ngoại tầm quốc tế vài tháng trước đưa ra lời khuyên với Donald Trump và ông Trump đã đề xuất việc sử dụng vũ khí hạt nhân đến ba lần", Scarborough nói. "Ba lần, cùng một lúc, ông ấy hỏi nếu chúng ta sở hữu chúng, sao ta không dùng chúng? Đấy là lý do vì sao Trump không có bất kỳ chuyên gia chính sách đối ngoại nào quanh mình".
Vài giờ sau khi chương trình trên MSNBC phát sóng, Paul Manafort, quản lý chiến dịch cho ông Trump nói với các phóng viên từ kênh Fox News rằng những câu chuyện của người dẫn chương trình Scarborough đều sai sự thật.
Nhưng Scarborough, cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa, là một người có uy tín và mối quan hệ rộng. Ông không thể tự bịa đặt một sự việc như thế, cây bút Jonathan Cohn nhận định.
Quan trọng hơn, theo quan sát viên Igor Bobic, các phát ngôn trước đây của Trump cũng cho thấy ông ấy hứng thú với việc sử dụng vũ khí hạt nhân hơn bất kỳ tổng thống hay ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng nào.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng ba với Bloomberg Politics, tỷ phú Mỹ nhận được câu hỏi rằng liệu ông có loại trừ khả năng dùng vũ khí hạt nhân chiến lược chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không.
"Tôi không bao giờ tính đến chuyện loại trừ bất kỳ điều gì. Tôi không muốn nói ở đây. Kể cả nếu tôi không dùng, tôi cũng sẽ không để bạn biết, bởi ít nhất, tôi muốn IS nghĩ rằng tôi sẽ sử dụng chúng", ông đáp.
Sau đó, trong một cuộc thảo luận khác với MSNBC, Trump nói ông "sẽ không dùng vũ khí hạt nhân nhưng không rút bất cứ quân bài nào khỏi cuộc chơi".
Cohn đánh giá quan điểm của ông Trump về vũ khí hạt nhân thực sự đáng ái ngại. Dù chi tiết quy trình triển khai thứ vũ khí hủy diệt này là tuyệt mật song theo một số nguồn tin am hiểu sự việc, Mỹ hiện duy trì "luật hai người" đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Theo đó, bộ trưởng quốc phòng phải xác nhận lệnh từ tổng thống trước khi nó phát huy hiệu lực. Nhưng nếu Trump trở thành tổng tư lệnh nước Mỹ, bộ trưởng quốc phòng chắc chắn sẽ do ông bổ nhiệm và phải có nghĩa vụ tuân thủ mệnh lệnh mà nhà tài phiệt New York đưa ra.
"Theo quy định và kỷ luật quân đội, mọi mệnh lệnh cần được thực thi, miễn là chúng hợp pháp", Heather Hurlburt, chuyên gia an ninh quốc gia, cho biết. "Vậy nên, chúng ta có thể dễ dàng mường tượng ra viễn cảnh mà ở đấy tổng thống Trump vẫn có thể ra lệnh phát động một cuộc tấn công hạt nhân bất chấp việc các quan chức quân sự nhận thấy nó không phù hợp với những tiêu chuẩn Geneva".
Giới quan sát dự đoán nếu ứng viên đại diện đảng Cộng hòa thành công trên đường đua vào Nhà Trắng, trở thành tổng thống Mỹ, kịch bản dễ xảy ra nhất là Mỹ phải hứng chịu một cuộc tấn công khủng bố và ông Trump sẽ trả đũa với đòn phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như nhắm mục tiêu vào phiến quân IS ở Syria.
Theo Cohn, cũng có thể ông Trump để ngỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm mục đích đe dọa các đối thủ bên ngoài. Nhưng chỉ riêng việc suy tưởng đến nó cũng đủ sức gây ra những bất ổn sâu sắc.
Các chỉ huy và binh sĩ trực tiếp tham chiến ngoài mặt trận hiểu rõ nhất mối nguy hiểm này. Sau các bình luận của Scarborough, ông John Noonan, người từng dành 4 năm đảm nhận công việc giám sát, quản lý kho tên lửa ngầm dưới mặt đất thuộc không quân Mỹ ở bang Wyoming, đã chỉ rõ những hiểm họa bắt nguồn từ các thông tin mập mờ ông Trump đưa ra về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
"Nói triển khai vũ khí hạt nhân, ví dụ ở Raqqa hay Mosul, chỉ vì ta không còn đồng minh nào và hành động này dễ sửa chữa thật sự gây khó chịu", ông Noonan viết trên mạng xã hội Twitter.
"Ra dấu hiệu rằng bạn hoàn toàn cởi mở trước việc sử dụng các vũ khí chiến lược như một biện pháp chiến thuật sẽ khiến nhiều quy tắc bị thay đổi. Nga, Trung Quốc cùng những nước khác sẽ phản ứng lại. Thế răn đe hạt nhân phụ thuộc vào sự cân bằng. Ông Trump lúc này giống như một con voi đang nhảy lên nhảy xuống ở một đầu của cán cân. Thật sự nguy hiểm", Noonan nhấn mạnh.
Xem thêm: Donald Trump gặp họa vì mời tình báo Nga tấn công đối thủ
Vũ Hoàng