16/12 là tròn một năm xảy ra vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lạc Dương, Lâm Đồng). 12 nạn nhân quê miền Trung đã trở lại cuộc sống bình thường, nhiều người tiếp tục làm nghề, cũng có người tìm công việc khác, nhưng tất cả đều không thể quên được ký ức kinh hoàng.
Nằm mơ cũng thấy bị mắc kẹt
Là nữ công nhân duy nhất bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng, chị Đặng Thị Hồng Ngọc (27 tuổi, trú xã Cát Văn, Thanh Chương, Nghệ An) đã từ bỏ công việc nguy hiểm. “Trở về từ cõi chết”, thấy sức khỏe không tốt, muốn được ở bên con, chăm sóc bố mẹ chồng, chị xin làm công nhân may ở Nghệ An, đến nay đã được hơn nửa năm với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng.
"Nhưng nhiều đêm ôm con ngủ, tôi lại mơ thấy khoảnh khắc mình bị mắc kẹt trong hầm và mãi mãi không ra được. Giật mình thức giấc, mồ hôi vã ra. Hoặc những lúc ngồi trước màn hình tivi, đọc báo nghe đài, nghe lại câu chuyện về vụ tai nạn sập hầm, tôi lại thấy lạnh xương sống", người mẹ trẻ kể.
![am-anh-80-gio-ket-trong-ham-thuy-dien-da-dang](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/12/15/sap1-6240-1419156935-4901-1450173594.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GO9kk0mo5Q7lgVM5aHRR-w)
Chị Ngọc khi được giải cứu. Ảnh: Phước Tuấn.
Ngày 23/10 (âm lịch) vừa qua, đại gia đình đã tổ chức mâm cơm gặp mặt để ôn lại kỷ niệm tròn một năm chị Ngọc cùng anh chồng Phạm Viết Nam (41 tuổi) và cháu họ Phạm Viết Lành (21 tuổi) thoát nạn trở về. Trong bữa cơm mọi người xúc động kể về thời khắc tưởng chừng như đã chết.
Chị Ngọc nhớ lại, lúc hầm mới sập, mọi người rất hoảng loạn, sau đó động viên nhau bình tĩnh. Nhưng chị vẫn nghĩ sẽ chẳng bao giờ có thể ra ngoài, hầm thủy điện là nơi mọi người chết chung. Các câu hỏi liên tiếp được đặt ra trong đầu người mẹ trẻ, sao số phận mình lại đen đủi, sao phải bỏ mạng khi còn quá trẻ, con còn nhỏ, một mình chồng có nuôi được con hay không?
“Lúc đó tôi nhớ đứa con trai 5 tuổi da diết, chỉ muốn được nghe tiếng khóc, tiếng gọi của con. Cứ nghĩ đến con là nước mắt lại trào ra vì biết rằng lúc này ở nhà con cũng đang rất nhớ mẹ, bởi trước đó ngày nào hai mẹ con cũng gọi điện nói chuyện”, chị Ngọc nhớ lại.
Đến tối 16/12, sau nhiều giờ bị mắc kẹt, mọi người lần đầu nhận được sữa qua đường ống, tia hy vọng sống lóe lên. Chị Ngọc được nói chuyện qua đường ống với chồng là Phạm Viết Bắc đang ở ngoài. “Vợ chồng cố trấn an tinh thần nhau, tôi dặn chồng nói dối con mẹ bận việc không nói chuyện được để nó đỡ mong”, chị Ngọc kể và cho hay một ngày trước khi gặp nạn, vợ chồng gom được 1,5 triệu đồng gửi về quê cho ông bà lấy tiền chăm con giúp mình.
![]() |
Chị Ngọc làm công nhân may ở gần nhà. |
Thời gian 80 giờ cùng những người gặp nạn bị nhốt trong hầm được người mẹ trẻ xem như mình đã chết đi một lần. Biết rằng ở ngoài mọi người đang nỗ lực giải cứu, chị Ngọc và 11 nạn nhân khác đã động viên nhau giữ tinh thần. “Tôi xin gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người, đặc biệt là các cán bộ, lính cứu hộ đã cho mình sinh ra lần thứ hai. Lúc chúng tôi ở trong thì phía ngoài mọi người từng giây từng phút nỗ lực tìm kiếm”, nữ công nhân 27 tuổi xúc động nói.
Hiện tại chồng chị Ngọc và anh chồng Phạm Viết Nam vẫn đi làm cho đơn vị năm ngoái thi công thủy điện Đạ Dâng. Hai anh em đang làm công trình ở huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An). "Mỗi lần nghĩ tới chồng và chú đi làm công trình lại nơm nớp lo sợ, nhưng vì mưu sinh nên phải theo", chị Ngọc chia sẻ.
Nghe con dâu kể lại ký ức, ông Phạm Viết Diệm (70 tuổi, bố chồng chị Ngọc) thốt lên: “Phúc đức nhà tôi lớn hơn cả quả núi rồi”. Ông Diễm kể 4 ngày hai người con và đứa cháu mắc kẹt trong hầm thủy điện, ở quê vợ chồng ông chỉ lén lút nghe đài và chạy qua hàng xóm ngóng thông tin mà không dám bật tivi vì phải giấu cháu bé 5 tuổi con Ngọc liên tục hỏi mẹ.
Lời kể của chị Ngọc:
Luôn phải trấn an gia đình không tham gia thi công hầm
Sau 8 tháng nằm nhà điều trị và nghỉ ngơi từ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Nguyễn Văn Quang (20 tuổi, trú huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) trở lại làm việc tại Công ty cổ phần sông Đà. Công trình Quang được phân công là thủy điện Đăkrông I ở huyện miền núi Đăkrông (Quảng Trị).
"Công việc mới không vất vả, chế độ ổn định. Hơn nữa, ở đây chỉ làm công việc ngoài trời, không thi công hầm", Quang nhấn mạnh đã phải trấn an gia đình bằng câu nói trên để trở lại công trình thủy điện. Quang kể, anh trở thành công nhân thủy điện từ lời giới thiệu của chú ruột. Sau 6 tháng khởi đầu ở một công trình tại Điện Biên, anh chuyển vào thủy điện Đạ Dâng, làm ở hệ thống kênh mương trong 4 tháng. "16/12 là ngày thứ hai tôi làm việc ở trong hầm. Sáng hôm đó mới vào hầm được khoảng 15 phút thì bị sập. Ban đầu, mọi người nghĩ sẽ được cứu nhanh, nhưng qua đến 2-3 ngày thì hoang mang lo sợ", Quang kể lại.
![]() |
Quang cho hay không còn ám ảnh, nhưng vẫn không dám vào hầm thủy điện trở lại. Ảnh: Hoàng Táo |
Thời gian bị kẹt, Quang sơ ý ngã từ xe đổ bê tông xuống và bị rách ở đầu, phải khâu 6 mũi. Sau khi được giải cứu, anh điều trị tại bệnh viện 4 ngày rồi xuất viện. Thoát chết trở về, anh cùng một công nhân khác bắt taxi về lại công trường, không quên mang theo hương hoa khấn tạ trời đất. "Đôi khi tôi vẫn nghĩ đến vụ Đạ Dâng, một năm trôi qua rồi nên không còn ám ảnh nhiều. Nhưng nếu vào thi công ở trong hầm thì tôi không dám vì còn sợ", Quang chia sẻ.
Khác với con trai, nhớ lại thời điểm nghe người thân báo tin con trai đang mắc kẹt trong hầm thủy điện, bà Nguyễn Thị Lịch (52 tuổi, mẹ Quang) vẫn còn nguyên cảm xúc. "Hôm đó hai vợ chồng đang ăn cơm thì cậu ở trong miền Nam gọi điện thoại về. Chồng tôi khi nhận tin xong thì bình tĩnh, sợ tôi sốc nên chưa nói sự tình. Thấy vậy tôi ruột gan cồn cào, bỏ dở bát cơm đang ăn, đi theo chồng yêu cầu nói cho bằng được", bà Lịch kể.
Người phụ nữ 52 tuổi vẫn còn nhớ cảm giác vui mừng khi 12 công nhân được giải thoát khỏi hầm. Chiều 19/12, lúc nhận tin Quang cùng mọi người bình an, ông Nguyễn Văn Tý (bố Quang) chạy một mạch từ trong nhà ra ngoài sân hô "ra rồi, ra rồi". Sân nhà ông Tý tối hôm đó chật kín người ra vào, những cuộc điện thoại từ anh em, họ hàng cứ gọi về liên hồi chia sẻ cảm xúc.
"Lúc đó chúng tôi hạnh phúc lắm, khi nghe Quang nói chuyện từ đầu dây điện thoại bên kia, vợ chồng tôi giành nhau nghe, sau đó mở to cho tất cả mọi người. Tôi đã khóc vì xúc động", bà Lịch hồi tưởng. Trải qua 4 ngày như ngồi trên đống lửa dõi theo lực lượng cứu hộ giải cứu 12 nạn nhân, bố mẹ Quang đã quá ám ảnh và không muốn con trai tiếp tục công việc này.
![am-anh-80-gio-ket-trong-ham-thuy-dien-da-dang-3](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/12/15/3-6937-1418984864-2522-1450150352.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yUDzEahud4XS_Q8Ohh9Hag)
Hiện trường giải cứu 12 nạn nhân cách đây một năm. Ảnh: Phước Tuấn
Là một trong những người tham gia chỉ đạo cứu hộ trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho hay, bản thân khi nhớ lại sự kiện này vẫn như mới xảy ra hôm qua. "Tôi cũng như hàng triệu người Việt Nam, từ lo lắng tột độ tới vỡ òa hạnh phúc khi tất cả nạn nhân đều được cứu sống. Đó là một cái kết có hậu, khẳng định mọi sự nỗ lực không biết mệt mỏi của tất cả ban ngành, lực lượng cứu hộ", ông Kỳ nói và cho hay hiện công trình đã khoan thông hầm.
Trước đó sáng 16/12/2014, nhóm công nhân đang làm việc thì phần trần mái của đường hầm Đạ Dâng bị sập, lấp kín một đoạn khoảng 35 m. 12 công nhân bị mắc kẹt bên trong. Sau hơn 80 giờ, nhóm công nhân được giải cứu an toàn. Công trình sau đó bị đình chỉ thi công để cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân sập hầm, kiểm tra lại toàn bộ công trình.
Thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo thuộc địa bàn huyện Lạc Dương và huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) do Công ty Long Hội làm chủ đầu tư với tổng vốn ước tính 474 tỷ đồng, tổng công suất thiết kế của cả 2 nhà máy Đạ Dâng và Đạ Chomo là 22kw. |
Nhóm phóng viên