Carr, C. -
Tuy nhiên, Howl (Hú), với khả năng gõ nhịp vào ý thức người đọc, đến nay đã phát hành được gần triệu bản. Thật khó tưởng tượng, một bài thơ lại có thể tạo ra những tác động sâu rộng như thế.
The Beats là phong trào theo đuổi lối sống tự do, phóng túng đầu tiên nảy sinh dưới sự chứng kiến của các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, thế hệ này cũng là những người dành được danh tiếng lẫy lừng với tần số xuất hiện dày đặc trên báo chí và những bức biếm hoạ. Với những kẻ phỉ báng, họ chỉ nhìn thấy ở Ginsberg hình ảnh đáng hổ thẹn về một thành viên Beat nhiều râu và có vẻ như lười tắm gội. Nhưng với những người tôn thờ, ngưỡng mộ Ginsberg, trong mắt họ, ông là người có tầm nhìn xa, một kẻ kiếm tìm Phật pháp, nhà hoạt động can đảm, bậc thày của những trò sôi nổi, vui nhộn. Vậy đâu là con người thật của nhà thơ sau tất cả những đồn đại thị phi đó? Hai cuốn sách mới về cuộc đời và sự nghiệp của Ginsberg vừa ra mắt sẽ góp phần giải đáp câu hỏi này. I Celebrate Myself (tiểu sử) và The Book of Martyrdom and Artifice (trích tuyển nhật ký thời trẻ của nhà thơ) xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày ra đời bài thơ Howl.
Nhà thơ Allen Ginsberg. |
Quảng giao, hiếu kỳ và thích rong chơi, Ginsberg là nhà văn dành ít thời gian cho việc sáng tác nhất so với những đồng nghiệp khác. Ông có lẽ cũng là một trong những người lưu giữ được bộ sưu tập tư liệu giàu có nhất trong giới văn chương Mỹ với hàng tập thư từ và nhật ký. Nhà văn đã giữ lại tất cả. Năm 1941, khi mới 14 tuổi, Ginsberg viết trong nhật ký: "Sau này, nếu có nhà lịch sử hay tiểu sử nào muốn biết một thiên tài nghĩ gì lúc còn trẻ thì đây là một cứ liệu hữu ích. Tôi sẽ trở thành thiên tài, không lĩnh vực này thì lĩnh vực khác, nhưng có lẽ sẽ là văn học. Nếu không trở thành thiên tài, tôi sẽ là kẻ tự kỷ, coi mình là trung tâm hoặc một bệnh nhân tâm thần phân liệt. Nhưng hai khả năng đầu dễ xảy ra hơn".
Ở tuổi đó, nhà thơ không ghi lại điều gì về hai vấn đề sẽ gây nhiều khó khăn cho cuộc đời ông về sau: đó là chuyện mẹ ông bị bệnh tâm thần còn ông là một người đồng tính bẩm sinh. Trong Martyrdom and Artifice, nhà văn ghi lại, như nhiều tác giả trẻ khác, ông đã rất vất vả để tìm được giọng điệu riêng cho mình. Nhà thơ cũng e dè, bối rối, cũng hò hẹn với phụ nữ và dự định sẽ tạo dựng một cuộc sống bình lặng để sáng tác.
Những năm tháng bản lề của Ginsberg là thời gian ông quăng mình vào toàn bộ phong trào Beat, khiến cho những tác phẩm ông viết trong thời kỳ này trở nên có giá trị hơn cả. Ông gặp cả Jack Kerouac lẫn William Burroughs khi chỉ mới 17 tuổi. Những ấn tượng đầu tiên của các cuộc gặp gỡ này rất tiếc đã không được ghi lại.
Allen Ginsberg và Neal Cassady. |
Trong I Celebrate Myself, mỗi năm cuộc đời Ginsberg được trình bày trong một chương. Tác giả Bill Morgan vừa là một nhà tiểu sử, vừa là một chuyên viên lưu trữ văn thư nên ông không bỏ sót bất cứ mẩu nhỏ nào mà nhà thơ để lại. Morgan cũng tiến hành hơn 300 cuộc phỏng vấn với những người khác. Cũng như những cuốn tiểu sử khác về Ginsberg, I Celebrate Myself dày tới hơn 600 trang.
Nhưng điều quan trọng là một số chi tiết trong cuốn sách này dấy lên sự hoài nghi. Chẳng hạn, Morgan cho rằng, khi Cassady kết hôn lần thứ hai, Ginsberg đã đau khổ đến nỗi ông yêu cầu Jack Kerouac đánh cho mình một trận nhừ tử. Trong Ginsberg, tác giả Barry Miles lại cho rằng, khi Cassady tái hôn, nhà thơ dành tất cả những tình cảm đồng giới của mình cho Kerouac nhưng bất lực, không được thoả mãn về cảm xúc trong tất cả những hình thức "đụng chạm", nhà thơ mới yêu cầu Jack đánh mình. Tôi không có quyền phán xét giả thuyết nào đúng nhưng cách diễn giải thứ hai ít nhiều có tính logic hơn.
Thanh Huyền dịch
(Nguồn: villagevoice)