Trong một cửa hàng nhỏ gần thành phố Hàng Châu (Trung Quốc), ông chủ Lu Qiwei dùng điện thoại thông minh sắp xếp đơn hàng. Ông đang lấp đầy kho mì gói, gạo và nước uống.
Người đàn ông 62 tuổi mới biết dùng điện thoại hai năm nay. Lu hiện là một trong 600.000 người sử dụng ứng dụng dành cho các nhà cung cấp của Alibaba. Tập đoàn này đang nỗ lực đưa hàng triệu cửa hàng gia đình vào phạm vi hoạt động của họ.
Ứng dụng di động là một phần trong chiến lược trị giá đến hàng tỷ USD của hãng thương mại điện tử trong hành trình mở rộng sự thống trị từ kinh doanh online đến các cửa hàng truyền thống. Họ cũng xây dựng hệ thống dữ liệu cho người tiêu dùng ở Trung Quốc, nơi có 85% doanh số bán lẻ vẫn còn là offline.
“Chúng tôi đang tạo mạng lưới khắp nơi để giúp khách hàng có trải nghiệm tốt nhất”, CEO Daniel Zhang chia sẻ hồi tháng trước. Đó là thời điểm tập đoàn của tỷ phú Jack Ma đầu tư 2,9 tỷ USD vào nhà cung cấp tạp hóa hàng đầu Trung Quốc là Sun Art Retail Group.
Chiến lược của Alibaba là lời đáp trả thương vụ trị giá 13,7 tỷ USD của Amazon với công ty thực phẩm organic Whole Foods Market Inc năm ngoái.
Thị trường chưa hoàn thiện tại Trung Quốc có nghĩa Alibaba càng có thể tự mở rộng hơn, đưa các cửa hàng và nhà vận hành trung tâm mua sắm vào mắc xích của họ. Đó là thanh toán di động, hậu cần và các công cụ quản lý hàng hóa.
Trong hai năm, tập đoàn này đã mua một số lượng lớn cổ phiếu của hai nhà bán lẻ lớn là Suning Commerce Group Co Ltd Lianhua Supermarket Holdings Co Ltd and Intime Retail Group Co Ltd.
Tất cả trở thành một cuộc chơi sống còn nhưng đắt giá. Đó là khi Alibaba có vẻ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng chóng mặt và đồng điệu về nguyện vọng với các nhà đầu tư lớn, bất chấp thị trường bán lẻ online có dấu hiệu giảm nhiệt. Cổ phiểu của tập đoàn cũng tăng gấp đôi trong năm nay.
Mạng lưới đối tác khắp các thành phố
Những động thái offline của Alibaba mở rộng tầm ảnh hưởng của họ đến toàn thị trường bán lẻ Trung Quốc. Các cửa hàng Tmall và Taobao của tập đoàn này đã thúc đẩy thương mại điện tử trên thị trường và liên kết với nhiều cửa hàng truyền thống để mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở địa hạt offline.
Động thái này sẽ khiến thị trường mọc ra ít nhất hàng nghìn siêu thị và trung tâm mua sắm cũng như tiềm năng với hàng triệu cửa hàng nhỏ mọc ở các địa phương. Whole Foods Market của Amazon hiện có 500 cửa hàng ở Mỹ và Anh.
Mặc dù nhìn thấy những điểm nhấn trong doanh số offline của Alibaba, các nhà phân tích cho rằng tập đoàn này vẫn còn nhiều việc phải làm như thống nhất dữ liệu, quản trị nhân sự và bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng.
“Đây là những lĩnh vực không nhất thiết Alibaba phải thông thạo tuyệt đỉnh, họ chỉ cần có truy cập dữ liệu và kết nối tốt với các nhãn hàng”, Ben Cavender, người đứng đầu văn phòng tại Thượng Hải của Công ty nghiên cứu thị trường Trung Quốc (China Market Research) cho biết.
Để đưa các chủ cửa hàng tham gia vào mạng lưới của mình, Alibaba cần nhiều nguồn lực và thời gian. Đằng sau ứng dụng Ling Shou Tong cho các nhà cung ứng là một đội quân 2.000 người trong vai trò đối tác ở khắp các thành phố. Họ có nhiệm vụ thuyết phục các chủ cửa hàng sử dụng ứng dụng của Alibaba.
Những người này được tập đoàn của Jack Ma huấn luyện. Họ tạm ứng 3.000 nhân dân tệ tiền đặt cọc và 3.000 nhân nhân tệ phí sử dụng nền tảng hàng năm để trở thành nhân viên kinh doanh tại các thành phố. Đội ngũ này kiếm tiền từ hoa hồng trên các sản phẩm được bán thông qua các ứng dụng của Alibaba.
Yu Wenze, 21 tuổi, người làm việc như một đối tác của Alibaba tại tỉnh Sơn Đông cho biết có một số bức rào trong mảng hậu cần. Đầu tiên, nhận thức về mặt công nghệ hiện còn rất thấp và quy trình thay thế hàng lại quá lâu. Bên cạnh đó, hậu cần tại nhiều thành phố chưa được hoàn thiện. "Chúng tôi buộc phải chuyển giao hàng qua ngày hôm sau nếu cửa hàng đặt trước 16h nhưng hầu hết các trường hợp đều không thể làm được”.
Những nỗ lực của Alibaba vẫn còn khá phức tạp bởi những câu hỏi về dữ liệu quyền sở hữu cá nhân, khi họ mở rộng mạng lưới offline sang một môi trường cao hơn.
“Họ cần những thông tin cá nhân để tạo nhiều cửa hàng offline, tất cả đều đòi hỏi những dữ liệu bổ sung ở các địa điểm khác nhau. Có nhiều quy chuẩn mới cần phải được định nghĩa nếu họ muốn cân bằng đúng hướng”, một chuyên gia nhận định.
Những tác động trộn lẫn
“Chúng tôi có mặt tiền cửa hàng được Alibaba hỗ trợ. Họ huấn luyện các kỹ năng cũng như những hỗ trợ khác”, một chủ cửa hàng giấu tên trở thành hệ thống của Tmall cho biết. Ông không muốn tên mình xuất hiện trên truyền thông.
Cửa hàng này nằm trong chiến dịch Alibaba khởi động hồi tháng 8. Kế hoạch hướng đến mục tiêu sáp nhập 10.000 cửa hàng truyền thống ở các thành phố không phải trọng yếu ở Trung Quốc vào hệ thống Tmall trong vòng 4 tháng.
Các mặt hàng có bảng giá số tương ứng với mức giá online. Ngoài ra, linh vật của Tmall là chú mèo đen cũng được đặt trước các cửa hàng.
Alibaba có hệ thống “Tmall Home Selection” - một hình thức nội thất giống hãng IKEA của Thụy Điển. Ở tầng cao nhất của cửa hàng này tại trung tâm thành phố Hàng Châu có sử dụng nhãn điện tử cho phép người tiêu dùng xem thử các chiếc ghế sopha và bình hoa trước khi thanh toán online và được giao hàng tận nhà.
Một buổi trưa thứ sáu gần đây, cửa hàng có vẻ yên ắng. “Mọi người vẫn có thói quen mua tại cửa hàng nhưng hình thức như chúng tôi vẫn còn khá mới mẻ. Không có ai đến mua sắm vào lúc này bởi mọi người đang làm việc nhưng vẫn luôn có thể mua qua mạng”, một nhân viên tại cửa hàng cho hay.
Trở về với ông chủ ở độ tuổi lục tuần Lu Qiwei, người có vẻ rất vui với hệ thống mới của cửa hàng mình. Ông nói nhờ đó mà cắt giảm được nhiều chi phí. Người tiêu dùng giờ đây cũng có thể thanh toán dễ dàng hơn thông qua điện thoại với Alipay của Alibaba.
Trương Sanh (theo Tech 2)