Kể từ khi chương trình khuyến mại Lễ Độc thân bắt đầu vào giữa tháng 10, Yang Zichao - nhà sáng lập một công ty khởi nghiệp ở Bắc Kinh, đã đặt hàng trái cây trên Pinduoduo và sách trên JD.com. Tuy nhiên, khác với những năm trước, anh lại không mua gì trên Taobao của Alibaba.
"Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng trưởng thành và cân nhắc hợp lý hơn trong Lễ Độc thân vì họ có nhiều lựa chọn từ các nền tảng khác nhau, thông qua các hình thức livestream khác nhau", Yang (37 tuổi) cho biết.
Chiến dịch siết quản lý của Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ trong năm qua gây ra rất nhiều khó khăn cho Alibaba. Công ty phải từ bỏ chính sách yêu cầu các nhà cung cấp phải niêm yết sản phẩm độc quyền trên nền tảng của mình. Họ cũng bắt đầu chấp nhận nhiều hình thức thanh toán hơn thay thế cho Alipay. Những thay đổi này được đưa ra sau khi họ nhận án phạt 18 tỷ nhân dân tệ (2,81 tỷ USD) hồi tháng 4 vì độc quyền.
Cũng nhờ vậy, các nền tảng mua sắm đối thủ như JD.com và Pinduoduo đã hưởng lợi khi Alibaba nới lỏng kiểm soát với thị trường thương mại điện tử. Cùng với đó, trào lưu bán hàng qua livestream đã đưa nhiều nền tảng lên vị trí dẫn đầu về doanh số bán hàng dịp 11/11 năm nay. Trong đó có Kuaishou và Douyin (phiên bản nội địa của TikTok thuộc ByteDance).
Các thương hiệu mỹ phẩm hàng đầu trong nước và quốc tế như Estee Lauder, Lancome, Florasis và Perfect Diary có mức tăng trưởng doanh số dưới 2% hoặc thậm chí giảm trên nền tảng Tmall của Alibaba trong quý III, theo CITIC Securities. Nguyên nhân là khách hàng chuyển sang mua sắm trên các ứng dụng video.
Theo một cuộc khảo sát người tiêu dùng vào tháng trước của công ty tư vấn AlixPartners (Mỹ), gần như mọi người được hỏi đều lên kế hoạch xem các buổi bán hàng livestream Lễ Độc thân. Có đến 3/4 nói rằng sẽ xem các video trong giai đoạn mở bán trước ngày 11/11.
Thái Y Lâm - Giám đốc ở một công ty tại Bắc Kinh, cho biết đã chi hơn 5.000 nhân dân tệ cho sách và hàng hóa hàng ngày trên Douyin vài tháng qua. Trước đây, số tiền này cô có thể đã chi cho Taobao hoặc JD.com.
"Lần nào tôi cũng nghĩ sẽ lỗ nếu không mua những thứ mà streamer đang bán vì giá quá rẻ. Nó cũng giúp tôi tiết kiệm thời gian, vì những người bán livestream nói quá thuyết phục nên tôi không cần phải so sánh giá trên các nền tảng khác", cô cho biết.
Thế độc tôn của Alibaba đối với thương mại điện tử thực tế đã dần suy giảm khi khi họ bị giới chức để mắt. Hồi tháng 5, công ty nghiên cứu eMarketer của Mỹ đã dự đoán rằng Alibaba sẽ chỉ chiếm 47,1% thị phần bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc năm 2021, thấp hơn khoảng 30 điểm phần trăm so với 5 năm trước.
Trong khi đó, eMarketer nâng thị phần của JD.com lên mức 16,9% và Pinduoduo là 13,2%. Hàng chục thương hiệu quần áo trước đây gắn bó độc quyền với Tmall giờ đã mở gian hàng trên một hoặc hai nền tảng đối thủ trong những tháng gần đây, nhằm tận dụng các khoản chiết khấu và ưu đãi khác.
Tại một sự kiện vào tháng trước, Alibaba cho biết sẽ giới thiệu kỷ lục 290.000 thương hiệu trên nền tảng của mình trong Lễ Độc thân. Mùa khuyến mại bắt đầu sôi động khi những streamer hàng đầu của Tmall như Li Jiaqi và Weiya đạt tổng doanh thu 19 tỷ nhân dân tệ vào ngày đầu tiên của chương trình.
Trong khi những năm trước, Alibaba chấp nhận chủ nghĩa tiêu dùng không kiềm chế, nay họ lại nhấn mạnh đến "tính bền vững" và tạo ra ít carbon hơn. Việc này nhằm thực hiện quan điểm của Bắc Kinh về "thịnh vượng chung" và cắt giảm lượng khí thải.
Dù tăng trưởng trực tuyến mạnh mẽ, doanh số bán lẻ nói chung của Trung Quốc lại giảm trong năm nay. Số liệu này chỉ tăng 4,4% trong tháng 9 so với cùng kỳ 2020. Nguyên nhân là dịch bệnh khiến niềm tin của người tiêu dùng lung lay.
Chuyên gia phân tích tại một ngân hàng ở Thượng Hải nói rằng người tiêu dùng cũng đang đi vay ít hơn. "Có lẽ nhiều người từng dự định mua hàng xa xỉ giờ lại có ngân sách eo hẹp", người này nói.
Bên cạnh đó, nhằm mở rộng kết nối với dịch vụ của các đối thủ, Taobao gần đây đã bổ sung tính năng cho phép người dùng chia sẻ nội dung trong "giỏ hàng" của họ trên dịch vụ nhắn tin WeChat của Tencent. Tuy nhiên, Tencent vẫn chưa cho phép tính năng này hoạt động, vì lo ngại về "quyền riêng tư và trải nghiệm người dùng".
Phiên An (theo Nikkei)