Hãng công nghệ này sẽ đầu tư số tiền khổng lồ trên với 5 ưu tiên, gồm đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế, tạo ra "việc làm chất lượng cao", hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương và thành lập một quỹ phát triển đặc biệt.
Đồng thời, Alibaba cũng đưa ra 10 mục tiêu cụ thể mà họ có kế hoạch giải quyết, từ việc tăng cường đầu tư công nghệ ở các khu vực kém phát triển của đất nước đến cải thiện phúc lợi của người lao động, tăng tốc độ phát triển của các doanh nghiệp nhỏ... Doanh nghiệp này cũng đang thành lập quỹ vì sự phát triển thịnh vượng do Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Daniel Zhang điều hành.
"Alibaba hưởng lợi từ tiến bộ kinh tế và xã hội mạnh mẽ ở Trung Quốc trong 22 năm qua. Chúng tôi tin rằng nếu xã hội đang phát triển tốt và nền kinh tế khoẻ mạnh, thì Alibaba cũng sẽ tiếp tục hưởng lợi. Chúng tôi mong muốn thực hiện phần việc của mình để hỗ trợ sự thịnh vượng chung thông qua phát triển chất lượng cao", Zhang cho biết.
Cam kết của Alibaba được đưa ra chỉ một tuần sau khi một hãng thương mại điện tử lớn khác của Trung Quốc - Pinduoduo tuyên bố sẽ giao toàn bộ lợi nhuận trong quý II cho các dự án phát triển nông thôn ở nước này.
Tương tự, Tencent tháng trước đã thông báo sẽ dành 50 tỷ nhân dân tệ (7,7 tỷ USD) để ủng hộ mục tiêu "thịnh vượng chung" của Bắc Kinh. Công ty cho biết sẽ hướng tới việc giúp tăng thu nhập cho người nghèo và giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục.
"Thịnh vượng chung" là một chiến dịch nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh việc tái phân phối của cải ở nước này, đề cập đến mục tiêu "thịnh vượng chung" ít nhất 65 lần trong các bài phát biểu và cuộc họp trong năm nay, nhiều hơn gấp đôi so với năm ngoái.
Trong một cuộc họp cấp cao do ông Tập chủ trì vào ngày 17/8, chính phủ cho biết "nên điều chỉnh hợp lý thu nhập cao quá mức, khuyến khích những người có thu nhập cao và các công ty đóng góp nhiều hơn cho xã hội". Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ý tưởng về "bàn tay xã hội" này sẽ dựa trên nghĩa vụ đạo đức và kỳ vọng của xã hội để truyền cảm hứng cho những người giàu nhất đất nước cho đi tài sản cá nhân của họ.
Bên cạnh các doanh nghiệp, những tỷ phú nước này cũng đang tích cực làm từ thiện hơn. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, từ đầu năm đến nay, 7 tỷ phú Trung Quốc đã dành số tiền kỷ lục 5 tỷ USD cho các tổ chức từ thiện, nhiều hơn 20% so với cả năm ngoái.
Tú Anh (theo CNN)