"Chính phủ Algeria đã tiếp nhận thông báo từ Bộ Ngoại giao Niger về việc chấp nhận sự hòa giải của Algeria nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở nước này", Bộ Ngoại giao Algeria cho biết ngày 2/10.
Theo cơ quan này, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã giao nhiệm vụ cho Ngoại trưởng Ahmed Attaf "thăm Niamey sớm nhất có thể để bắt đầu đàm phám với tất cả các bên liên quan".
Chính quyền quân sự Niger chưa bình luận.
Algeria, có biên giới chung với Niger ở phía nam, cuối tháng 8 đã đề xuất về một giai đoạn chuyển tiếp dài 6 tháng do dân sự dẫn dắt để giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước láng giềng Niger. Ông Attaf khi đó cho biết giai đoạn chuyển tiếp sẽ được dẫn dắt bởi một thành viên dân sự. Algeria sẽ đề nghị Liên Hợp Quốc tổ chức hội nghị về khôi phục trật tự hiến pháp, đưa ra đảm bảo cho các bên trong khủng hoảng ở Niger.
Khủng hoảng Niger bắt đầu ngày 26/7, khi lực lượng cận vệ tổng thống Mohamed Bazoum bắt và quản thúc ông tại dinh thự. Chỉ huy lực lượng cận vệ Abdourahamane Tiani trở thành người đứng đầu chính quyền quân sự, bất chấp sự phản đối của Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và phương Tây. Niger cũng lập chính phủ mới để thúc đẩy chương trình nghị sự.
Chính quyền quân sự Niger ngày 19/8 nói tham vọng của họ không phải là thâu tóm quyền lực và đề xuất quá trình chuyển giao về chế độ dân sự trong không quá ba năm. Trong khi đó, ECOWAS cảnh báo can thiệp quân sự Niger nếu các biện pháp ngoại giao thất bại, nhưng không tiết lộ thời điểm cụ thể.
ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo.
Niger, Mali và Burkina Faso đã bị đình chỉ tư cách thành viên sau khi xảy ra đảo chính. Chính quyền quân sự ba nước này giữa tháng 9 ký thỏa thuận phòng thủ chung, cam kết hỗ trợ lẫn nhau nếu một thành viên bị tấn công.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)