Nhà thiết kế đón sinh nhật tuổi 49 lặng lẽ ở Pháp - vùng dịch lớn thứ năm thế giới. Hồi tháng 10, khi ra mắt bộ sưu tập Xuân Hè 2021, Alexandre Vauthier bày tỏ sự chán ngán khi cảm xúc bị dồn nén trong những ngày cách ly xã hội, doanh thu đồ cao cấp sụt giảm nghiêm trọng. Anh nói trên Vogue: "Lúc dịch bắt đầu bùng lên, mọi người đã sợ hãi. Đầu tiên, họ mua những thiết bị khử khuẩn. Sau đó, họ mua đồ ăn, rồi tới đồ trang điểm, đồ ngủ. Sau cùng, họ mới bắt đầu mua váy. Tôi có hai khách hàng đặt mua đầm Haute Couture chỉ để mặc khi ăn tối ở nhà. Thật điên rồ!".
Alexandre Vauthier là một trong 16 nhà mốt được hợp pháp sử dụng danh xưng Haute Couture bên cạnh những tên tuổi lâu đời như Chanel, Christian Dior, Jean Paul Gaultier, Givenchy, Maison Margiela. Bước chân vào lãnh địa này mấy chục năm, Alexandre Vauthier tạo được dấu ấn riêng qua việc đưa hơi thở hiện đại, trẻ trung vào thời trang cao cấp truyền thống. Cây bút Jennifer Lee của Forbes ưu ái đặt cho anh danh xưng "Nhà thiết kế đồ cao cấp thời hiện đại".
Dưới tay anh, đồ thể thao, blazer, áo phông cotton lên những sàn diễn couture. Có những bộ sưu tập lấy cảm hứng từ thành phố Los Angeles (Mỹ) sôi nổi, rực rỡ, có bộ lại tìm vẻ đẹp của những quý cô thành thị Paris hay những It-girl trẻ và giàu có. Trong show diễn năm 2017, nhà thiết kế phối một số mẫu cao cấp với quần jeans, tạo thành tổng thể mà anh gọi là Street Couture (thời trang đường phố cao cấp).
Nhà thiết kế cũng hợp tác nhiều thương hiệu hiện đại, đồng nghiệp trẻ tuổi như Yiqing Yin, Jacquemus để có thiết kế mới lạ. Anh còn kết hợp thương hiệu đồ thể thao Nike làm mới dòng giày Air Jordan 1 kinh điển bán giá 650 Euro. Năm 2010, anh hợp tác nghệ sĩ công nghệ Moritz Waldemeyer tạo ra bộ áo khoác và váy gắn thiết bị điện tử phát sáng.
Dù theo đuổi yếu tố hiện đại, nhà thiết kế cân bằng với haute couture truyền thống, khi đưa vào thiết kế dấu ấn văn hóa Pháp, Ấn Độ, Đông Nam Á hay phong cách thời trang thập niên 1970, 1980. Vauthier giải thích trên Coveteur anh kế thừa, chịu ảnh hướng lớn từ ba thần tượng: "Thierry Mugler cho tôi sự hào nhoáng, Jean Paul Gaultier đem tới vẻ quyến rũ của Paris còn Karl Lagerfeld mang tới vẻ sang trọng, lịch lãm của Chanel". Vauthier từng học nghề ở Thierry Mugler năm 1993. Năm 1997, anh làm việc với tư cách nhà tạo mốt chính cho hai bộ sưu tập cao cấp và may sẵn của Jean Paul Gaultier trong tám năm. Thời gian dài học hỏi, hợp tác với những nhà mốt bậc thầy giúp Vauthier tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng trong lĩnh vực thiết kế, cắt may.
Năm 2009, nhà thiết kế thành lập thương hiệu riêng mang tên mình. Nhiều phom dáng hình học cứng cáp, các đường cắt may sắc sảo được Vauthier kế thừa từ hai nhà mốt nổi tiếng. Chỉ mất sáu năm, khi đáp ứng đủ nhiều điều kiện ngặt nghèo, Vauthier trở thành thành viên chính thức của Fédération de la Haute Couture et de la Mode (Hiệp hội Thời trang cao cấp Pháp) ở tuổi 43.
Tỉ mỉ trong chất liệu, cắt may, thiết kế là bí quyết tạo nên thành công của Vauthier. Anh thuộc lòng các chất liệu và lịch sử ra đời vải vóc. Nhiều màu vải không có trên thị trường do được xưởng may của Vauthier nhuộm bằng tay. Có những trang phục trên sàn diễn cao cấp tốn hàng nghìn giờ may thêu hay những bộ váy ngắn đính hơn 300 nghìn miếng sequin tạo hiệu ứng da cá sấu. Anh nói với S Magazine: "Thời trang cao cấp là kết quả cuối cùng của trí tưởng tượng, nơi tôi phá vỡ những giới hạn. Nó thể hiện kỹ năng bậc thầy của những thợ cắt may, thợ thêu và thợ thủ công. Nó sẽ luôn tồn tại, bởi là biểu hiện của nghệ thuật, sự khéo léo đằng sau ngành thời trang".
Alexandre Vauthier rất quan tâm tới người mặc, đặt họ ở vị trí cao nhất. Nhà thiết kế đi nhiều nơi để nghiên cứu khách hàng, quan tâm nhu cầu, mong muốn của những phụ nữ trẻ tuổi, hiện đại. Bên cạnh những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, anh quan tâm các khu vực châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc. Anh nói trên theo tạp chí Fashion: "Tôi cần làm đồ cho những phụ nữ thực thụ chứ không phải những cô mẫu chân dài. Bởi vậy, tôi luôn trăn trở câu hỏi thế nào là quyến rũ. Đó không phải thời trang, mà là phong cách".
Alexandre Vauthier thành nhà thiết kế thân thiết với nhiều sao nữ như: Rihanna, Lady Gaga, Sharon Stone, Sophie Marceau, Charlize Theron hay các biểu tượng phong cách giới trẻ như Cara Delevingne, Taylor Swift, Bella Hadid, Kendall Jenner. Năm 2011, anh thiết kế trang phục cho album 4 của Beyoncé. Đến năm 2012, váy áo Vauthier lên bìa đĩa đơn Girl gone wild của Madonna. Năm 2016, Bella Hadid diện váy xẻ táo bạo màu đỏ của Vauthier tới Cannes, trở thành một trong những khoảnh khắc đáng nhớ của làng mốt. Anh nói với Coveteur: "Trên thảm đỏ, tôi không muốn một cô gái nào bị lu mờ bởi thiết kế của mình".
Bảo Thư