Nhân sinh nhật tuổi 37 của Alexander Wang (ngày 26/12/2020), tạp chí CR đăng lại những thiết kế mang đậm dấu ấn của anh trong 15 năm sự nghiệp. Tờ Business Insider nhận định nhà thiết kế là một phần của văn hóa đại chúng Mỹ khi đưa thời trang cao cấp chạm tới số đông bằng nét hiện đại, đơn giản, thoải mái cùng tư duy làm show gần gũi.
Trong khi nhiều cây đại thụ của làng mốt hướng đến thời trang xa xỉ, cao cấp với kỹ thuật thủ công tinh xảo, Alexander Wang chọn thời trang ứng dụng phù hợp lối sống thành thị - xu hướng tiêu biểu của thế hệ nhà thiết kế trẻ ở Mỹ. Tờ New York Times ghi lại một lần thương hiệu chạy chương trình giảm giá, khách xếp hàng dài từ 5 giờ sáng, đợi bốn tiếng trong mưa lạnh "chỉ để sở hữu chiếc túi xách, quần áo mơ ước từ bộ sưu tập của Alexander Wang". Hầu hết trong số họ dưới 25 tuổi, làm việc trong những môi trường năng động. Tờ Guardian viết: "Không phải ngẫu nhiên những chiếc quần jeans đơn sắc của Wang gần với phong cách của Mark Zuckerberg hơn Karl Lagerfeld. Bởi anh ấy đến từ thế hệ mà công nghệ là trung tâm cuộc sống".
Wang được truyền cảm hứng từ những nét bình dị trong đời sống hàng ngày, trên đường đi làm, khi ngồi tàu điện ngầm... Hành động thường nhật của người thân, bạn bè, điệu bộ khác biệt ở những phụ nữ Wang từng tiếp xúc cũng khơi gợi khả năng sáng tạo, nguồn hứng khởi trong anh.
Phong cách thiết kế của Wang nhấn vào kỹ thuật may đo tỉ mỉ, điểm nhấn phá cách cùng phom dáng khỏe khoắn, góc cạnh. Dù làm từ chất liệu cao cấp, những thiết kế của anh dễ mặc và mặc được trong nhiều hoàn cảnh. Wang đưa lên sàn diễn những bộ vest công sở, trenchcoat, minidress, đầm chữ A hay áo len cashmere tông chủ đạo đen - trắng, nhấn nhá bằng chi tiết cut-out, đính đá, phụ kiện lấy cảm hứng hip-hop hay hơi hướng thể thao. Nhà thiết kế nói với Ssense: "Tôi muốn trở thành thương hiệu đủ sức 'gói gọn' tủ quần áo của khách hàng. Cô ấy có thể đến Alexander Wang để mua áo phông 50 USD mà vẫn có thể quay lại để mua bộ váy giá 50.000 USD".
Alexander Wang có nhiều cuộc hợp tác thành công với những thương hiệu thời trang bình dân, phổ thông như Uniqlo, H&M. Anh thiết kế áo thun trắng với điểm nhấn là vết cafe đổ thành hình nàng tiên cá cho thương hiệu Starbucks. Tìm cảm hứng từ McDonald's, Wang ra mắt những mẫu túi xách, phụ kiện giống túi giấy đựng thức ăn, đồ ăn nhanh. Anh khéo léo đưa yếu tố thể thao và văn hóa Mỹ vào những bộ đồ lót chuyên dụng cho phòng tập, đồ in biểu tượng NY (New York) hay áo khoác bóng chày... dành cho những khách hàng hiện đại, trẻ tuổi.
15 năm qua, Wang là nhà thiết kế yêu thích của nhiều ngôi sao như Rihanna, Nicki Minaj, Lady Gaga, Miley Cyrus. Tên tuổi anh còn xuất hiện trong ca khúc New Slaves (2013) của rapper Kanye West. Các thiết kế của Wang thường được tín đồ thời trang khen sang trọng, tuy nhiên nhà tạo mốt không quá chú tâm tới yếu tố này. Anh nghĩ nhiều hơn về hình thức, chất lượng và sự đặc biệt của trang phục với người mặc. "Với tôi thứ sang trọng nhất không phải đắt tiền nhất. Đó có thể đơn giản là chiếc áo phông được mặc tới buổi hòa nhạc - hiếm có và ít ai dám thử", anh nói trên Ssense.
Không chỉ hấp dẫn khách hàng bằng phong cách trẻ trung, nhà thiết kế còn thường xuyên làm mới các buổi diễn thời trang. Từ năm 2018, anh quyết định rời Tuần lễ thời trang New York, chấp nhận rủi ro khi tổ chức các show riêng vào tháng 6 và 12 - thời điểm trái mùa của làng mốt thế giới. Vì muốn tiếp cận nhiều khách hàng hơn, anh tổ chức các buổi diễn trên phố, tại quảng trường thay vì những không gian hạn chế người xem. Show Xuân Hè 2018 của thương hiệu tổ chức trên đường phố Bushwick, Brooklyn, còn bộ sưu tập Xuân Hè 2020 ra mắt ở Trung tâm Rockefeller (New York). Ngoài khách mời là các biên tập viên thời trang và người nổi tiếng trong ngành, người dân được chiêm ngưỡng miễn phí.
Alexander Wang tỏ rõ năng khiếu và hứng thú với thiết kế ngay từ khi còn nhỏ. Sinh năm 1983 trong gia đình có bố mẹ là người Đài Loan tại San Francisco, California, anh thường xuyên phá tung quần áo của bản thân rồi khâu vá lại, phác thảo thiết kế giày lên khăn ăn nhà hàng, lục tung tủ quần áo của mẹ, mua vải vụn và mày mò cách may vá. Lớn hơn, chàng thiếu niên một mình đăng ký mọi khóa học về thiết kế ở London tới Los Angeles. Năm 15 tuổi, anh biến tiệc cưới của anh trai thành buổi diễn thời trang khi tự thiết kế 35 mẫu váy cưới cho chị dâu, thu hút giới yêu thời trang và truyền thông.
Khi 19 tuổi, chàng trai trẻ từ chối thừa kế doanh nghiệp nhựa gia đình, theo học Đại học Thiết kế và Nghệ thuật Parsons. Anh nói trên Business Insider: "Tôi bán hàng, làm thực tập sinh và học trên trường. Tôi làm cả ba việc một lúc bởi quá phấn khích và tham vọng". Suốt hai năm đại học, Wang tích cực đi thực tập tại nhà mốt Marc Jacobs, tạp chí thời trang Teen Vogue. Công việc mở ra cho anh nhiều cơ hội tiếp xúc với giới chuyên môn. Một phòng trưng bày thời trang đề nghị Wang thiết kế vài mẫu trang phục mùa thu. Anh chớp lấy cơ hội và bỏ học để tập trung công việc.
Năm 2005, Alexander Wang mở cửa hàng đầu tiên. Thời gian đầu chật vật, khó khăn bởi thương hiệu ít tên tuổi, không có studio chuyên nghiệp hay các buổi diễn thời trang được đầu tư hoành tráng nhưng các thiết kế của Wang dần được đánh giá cao. Ít lâu sau, nhà thiết kế Diane von Furstenberg bày tỏ ấn tượng với loạt thiết kế áo len cashmere đầu tay của anh, thậm chí mời Wang về làm việc cho bà. Anh từ chối bởi muốn tập trung cho thương hiệu riêng. Sau này, bà thành cố vấn cho anh, thể hiện sự ủng hộ, công nhận tài năng trẻ.
Năm 2012, qua lời giới thiệu của tổng biên tập Vogue Mỹ Anna Wintour, Wang thành giám đốc sáng tạo cho Balenciaga trong ba năm. Các bộ sưu tập của nhà mốt dưới thời Alexander Wang được đánh giá tích cực. Sự nghiệp Wang thăng hoa với hàng loạt giải thưởng của Hội đồng thời trang CFDA, Giải thưởng dệt may Thụy Sĩ, "Nhà thiết kế của năm" tại Swarovski Awards...
Bảo Thư