Tính từ mùa 2005-2006, Ajax chỉ một lần vượt qua vòng bảng Champions League (2018-2019, vào bán kết). Sau chiến tích đó, Ajax của Erik ten Hag bị "tháo rời" với hàng loạt trụ cột đi tìm miền đất hứa của riêng mình. Nhưng lúc này, Ajax vẫn chơi thứ bóng đá tổng lực "total voetbal". Họ đã toàn thắng sau bốn trận vòng bảng Champions League, tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn nhất, trung phong từng không hợp phong thủy Premier League là Sebastien Haller đang xếp thứ hai trong danh sách ghi bàn (7 bàn), cặp trung vệ đá chính cao chưa tới 1m80 và thủ thành bắt chính Remko Pasveer sắp sang tuổi 38.
Tổng cộng, sau bốn lượt trận Champions League, Ajax ghi 14 bàn, thủng lưới hai lần và hai trận giữ sạch lưới. Xét trên mọi đấu trường, Ajax chỉ thua một, hòa hai và thắng 12 trận. Thầy trò Ten Hag ghi 51 bàn, tức trung bình 3,4 bàn/trận và chỉ để thủng lưới bốn lần.
Ký giả Raphael Honigstein kể trên tờ The Athletic rằng trong văn phòng của mình, Erik ten Hag treo những bức ảnh của ba HLV biểu tượng trong lịch sử CLB, đó là Rinus Michels, Johan Cruyff và Louis van Gaal. Nhưng không giống như những bậc tiền bối, nhà cầm quân 51 tuổi vốn không sinh ra ở thủ đô Amsterdam. Quê của ông là một tỉnh lỵ nằm gần biên giới nước Đức - Haaksbergen.
Từng là một trung vệ trong màu áo CLB Twente và những đội bóng hạng Hai khác của Hà Lan, Ten Hag giải nghệ năm 32 tuổi và làm công tác huấn luyện ở Ajax cách đây chỉ bốn năm, sau khi đưa CLB Go Ahead Eagles giành quyền thăng hạng lên giải vô địch quốc gia Hà Lan lần đầu tiên trong 17 năm, rồi có một giai đoạn thành công ở Utrecht và hai năm dẫn dắt đội B của Bayern Munich.
Rõ ràng, ông chẳng "dính dáng" gì đến Ajax trước khi ngồi vào chiếc ghế nóng đội bóng thủ đô Hà Lan.
Nhưng có khi, một kẻ ngoại đạo như thế lại là điều tốt cho Ajax, bởi tư tưởng và những thứ giáo điều được giải phóng. Nói như cựu Giám đốc Thể thao Matthias Sammer của Bayern, Ten Hag là một sự pha trộn giữa một người Hà Lan và một người Đức ở khía cạnh bóng đá. Có nghĩa là một HLV hết mình vì bóng đá đẹp, nhưng lại hết sức kỷ luật.
Kỷ luật ở đây chính là đề ra một khuôn khổ buộc những cái tôi, những cầu thủ nghệ sĩ trong đội hình phải tuân thủ kế hoạch đã vạch ra trong cách tiếp cận trận đấu, nhưng không đánh mất những kỹ năng phô diễn và sáng tạo.
Có lẽ, chính quãng thời gian hai năm làm việc tại Bayern, được mục sở thị phương pháp huấn luyện của Pep Guardiola đã mang đến cho Ten Hag một cái nhìn hữu ích.
Năm 2019, trò chuyện trên tờ nhật báo lớn nhất Munich là Sueddeutsche Zeitung, Ten Hag chia sẻ: "Guardiola là người đi tiên phong, là người thay đổi bóng đá Đức. Tôi đã xem hầu hết các buổi tập do ông ấy chỉ đạo ở Bayern. Tôi học được vô vàn về phương pháp huấn luyện của Pep – cách ông ấy đưa triết lý lên sân tập, cách triển khai bóng, quá trình chuyển đổi trạng thái, tấn công – nói chung là Pep luyện tập các cầu thủ ở mọi giai đoạn. Không chỉ tập từng nhóm nhỏ mà có khi còn chỉ giáo từng cá nhân. Mọi thứ đều ở mức độ chi tiết không tưởng".
Để rồi, khi được bổ nhiệm tiếp quản Ajax tháng 12/2017, Ten Hag vận dụng những phương pháp đã học được ở Bayern của Guardiola. Mọi cá nhân trên sân, dù tài năng đến mấy, cũng đều phải tuân thủ quy tắc "đoạt lại quả bóng trong vòng 3 giây" một khi để mất quyền kiểm soát.
Cũng theo lời kể của ký giả Raphael Honigstein, Erik ten Hag từng lọt vào tầm ngắm của ban lãnh đạo Bayern, nhưng cuối cùng CLB nước Đức quyết định lựa chọn Niko Kovac vào giữa tháng 4/2018. Lý do được chỉ ra không phải bởi triết lý hay tài năng, mà là vì những người đứng đầu Bayern tin rằng "thời điểm chưa đúng lúc", và còn bởi họ lo sợ Ten Hag vẫn còn "non" để có thể chỉ huy được phòng thay đồ đội bóng.
Dù thế nào, Ten Hag cũng có hoài bão của riêng ông. "Mọi HLV trên thế giới đều muốn một thứ: Đó là xây dựng một đội bóng được nhớ đến suốt 20 năm sau", HLV người Hà Lan nói. "Muốn như vậy, bạn phải có triết lý hẳn hoi, như Michels, Cruyff và Van Gaal đã từng".
Nhưng không có nghĩa rằng Ten Hag bê nguyên si quá khứ đặt vào hiện tại. Ông có sự kết hợp giữa trường phái bóng đá của Cruyff với các yếu tố gengenpressing của Đức. Ajax của Ten Hag chú trọng vào khâu kiểm soát bóng, pressing và những đường chuyền theo chiều dọc hướng về phía trước, nhấn mạnh vào những pha di chuyển và khai thác khoảng trống giữa hai tuyến của đối thủ.
Ở mặt sơ đồ - hệ thống, Ten Hag sẵn sàng phá bỏ truyền thống 4-3-3 của CLB, và sử dụng hệ thống giống với 4-2-3-1 về mặt lý thuyết. Ten Hag từng nói: "Bóng đá ngày càng trở nên quá tĩnh ở Ajax. Tĩnh và ngây thơ! Chúng ta chơi thứ bóng đá kiểm soát bóng và lúc nào cũng chỉ kiểm soát bóng. Nhưng khi chúng ta kiểm soát bóng 55% và vẫn thua 0-2, mọi người liền thắc mắc vì sao lại thế. Tôi đương nhiên muốn đội bóng chơi kiểm soát bóng, nhưng là kiểm soát bóng trên cả phần sân đối phương, ở khu vực một phần ba sân cuối. Tôi muốn kiểm soát bóng có ý đồ và đe dọa khung thành đối phương".
Tất cả những điều đó biến tập thể Ajax qua các năm của Ten Hag trở thành một trong những đội bóng cuốn hút và đáng thưởng thức nhất châu Âu. Ten Hag vừa làm hài lòng những người khó tính theo tư tưởng truyền thống ở CLB, vừa giúp Ajax trở nên hiện đại hơn.
Từng hạ cả Real và Juventus ở Champions League 2018-2019 và chỉ sụp đổ vào phút thứ 90+6 trước Tottenham ở bán kết, những cá nhân ưu tú của tập thể Ajax năm đó liền được các CLB khác tại châu Âu săn đón. Những Hakim Ziyech (Chelsea), Donny van de Beek (Man Utd), Frenkie de Jong (Barcelona), Matthijs de Ligt (Juventus), Kasper Dolberg (Nice) hay Quincy Promes (Spartal Moskva) đều chia tay Amsterdam. Tổng cộng, Ajax đã bán đi các cầu thủ để thu về hơn 360 triệu euro, nhưng chỉ bỏ ra hơn 140 triệu euro để tái đầu tư trên thị trường chuyển nhượng.
Nhưng, nhân sự có thể thay đổi, chứ triết lý, tư tưởng vẫn vẹn nguyên. Với Giám đốc Thể thao Marc Overmars và Giám đốc Điều hành Edwin van der Sar lèo lái ở cấp thượng tầng, định hướng cho tương lai được vạch ra hết sức rõ ràng. Bán đi một vài những tài năng sáng giá qua từng năm là thứ không thể tránh khỏi với Ajax, khi nguồn thu từ bản quyền truyền hình giải vô địch quốc gia Hà Lan là quá ít ỏi (toàn giải đấu chỉ khoảng 116 triệu USD mỗi năm). Nhưng bộ khung và lứa kế cận phải được duy trì.
Tre già thì măng mọc, những tài năng cây nhà lá vườn liên tục được thay mới, giờ đây là những Ryan Gravenberch, Jurrien Timber hay Devyne Rensch. Chính sách chọn lọc những tài năng Nam Mỹ vẫn được duy trì, sau những Lisandro Martinez, Nicolas Tagliafico hay David Neres, giờ là một Antony đầy triển vọng.
Overmars cũng từng nói rằng Ajax không thể chỉ trông cậy vào những cầu thủ trẻ do chính CLB đạo tạo hoặc mua về để giành lấy các danh hiệu, cũng như xác lập vị thế ở châu Âu. Vì vậy, Ajax mang về những Dusan Tadic từ Southampton, hay Sebastien Haller từ West Ham – những người hoặc bị đánh giá thấp hoặc không khai phá được hết tiềm năng ở các CLB cũ.
Kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua, Ajax tiếp tục mang về một cầu thủ không còn trẻ và đã có kinh nghiệm, Steven Berghuis (29 tuổi) từ đại kình địch Feyenoord, với giá 5,5 triệu euro.
Mới đây, theo một nghiên cứu được công bố bởi Trung tâm Nghiên cứu Thể thao Quốc tế (CIES) có trụ sở tại Thụy Sĩ, Ajax là CLB có nhiều cầu thủ tự đào tạo hiện vẫn còn đang thi đấu nhất trong 31 giải đấu của châu Âu, với 81 người.
Dẫn đầu giải vô địch quốc gia Hà Lan với chỉ hai điểm nhiều hơn đội xếp sau là PSV Eindhoven, nhưng nếu nhìn vào hiệu số bàn thắng-thua của Ajax, sự khác biệt hết sức rõ ràng. Hiệu số của Ajax lúc này là +35, tạo ra cách biệt ít nhất 21 đơn vị so với bất kỳ đối thủ nào. Họ sở hữu hàng công mạnh nhất (ghi 37 bàn) và hàng thủ chắc nhất (thủng 2 bàn).
Tính đến giữa tháng 10, thống kê từ công ty tư vấn thể thao Twenty3 cho thấy, Ajax dẫn đầu Hà Lan ở mọi dữ liệu chuyên sâu trong khía cạnh tấn công lẫn phòng ngự. Thầy trò Ten Hag có số bàn thắng kỳ vọng đạt 2,84; số bàn thắng kỳ vọng dựa trên các pha dứt điểm trúng đích đạt 3,06; số bàn thua kỳ vọng chỉ 0,53; số bàn thua kỳ vọng dựa trên các pha dứt điểm trúng đích phải nhận chỉ 0,2; và số đường chuyền liên tục cho phép đối thủ thực hiện trước khi tung ra một hành động phòng ngự (tức phản ánh khả năng pressing) chỉ là 6,29. Tất cả đều có giá trị tốt nhất.
Ở đấu trường Champions League mùa này, tính đến trước lượt trận thứ tư vòng bảng vừa qua, giá trị bàn thắng kỳ vọng của Ajax đạt 8,8 (chỉ sau 9,2 của Man City), tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình ở một phần ba sân cuối đạt 74% (chỉ sau 83% của Chelsea), chỉ số phản ánh khả năng pressing (tức số đường chuyền liên tục cho phép đối thủ thực hiện trước khi tung ra một hành động phòng ngự) đồng xếp thứ hai (bằng với Liverpool và chỉ sau Chelsea), số pha đoạt lại bóng ở 40 mét sân cuối tính đến khung thành đối phương đạt 23 lần (đồng dẫn đầu với Chelsea), số đường chuyền chính xác vào vòng cấm đối thủ đạt 66 (cao nhất giải đấu).
Giờ, hãy đi sâu vào chi tiết trên sân. Trong hai lượt trận gần nhất ở vòng bảng Champions League trước cùng Dortmund, Ajax đều giành chiến thắng, lần lượt là 4-0 và 3-1. Riêng ở lượt về mới đây, Ajax có lợi thế lớn trên sân khách khi Dortmund chỉ còn chơi với 10 người trên sân từ phút 29, sau tấm thẻ đỏ trực tiếp của Mats Hummels. Tuy vậy, định hướng lối chơi của Ajax và cách họ làm chủ trận đấu thì luôn được thể hiện rõ nét qua cả hai trận đấu.
Ajax của Ten Hag sử dụng hệ thống giống với 4-2-3-1 về mặt lý thuyết. Từ đầu mùa, 4-2-3-1 chính là hệ thống chủ đạo và thường xuyên nhất của Ajax. Nhưng sơ đồ là tĩnh, còn vị trí các cầu thủ trên sân là động.
Trên sân, Gravenberch thực tế không đá bên cạnh Edson Alvarez ở vị trí cặp đôi tiền vệ trụ. Thay vào đó, anh được Ten Hag đẩy lên cao, cặp cùng với tân binh Berghuis trở thành hai số 10 khi tấn công. Gravenberch về cơ bản trở thành một mẫu tiền vệ box-to-box, di chuyển rộng theo chiều dọc lẫn chiều ngang sân. Có lúc, cầu thủ 19 tuổi này dạt hẳn ra biên trái. Vậy nên, người chơi thấp nhất nơi hàng tiền vệ là Alvarez, kết hợp cùng cặp trung vệ đảm nhiệm vai trò phát triển bóng từ tuyến dưới. Hệ thống của Ajax thường xuyên trở thành 4-1-4-1 hơn. Nếu Alvarez được rút ra, Gravenberch sẽ lùi về trở thành tiền vệ đá thấp nhất.
Song, bản thân hệ thống 4-1-4-1 cũng không cố định. Với phẩm chất tấn công và kỹ thuật của hai hậu vệ cánh là Daley Blind cùng Mazraoui, hai cầu thủ này có lúc được đẩy lên rất cao để tham gia tấn công, hoặc có chăng thì Blind sẽ ở lại. Khi đó, hàng thủ của Ajax chỉ còn lại 2-3 cầu thủ, cùng tiền vệ Alvarez.
Cũng trong cách vận hành này, vị trí và vai trò của hậu vệ cánh phải Mazraoui trở nên khác biệt. Thay vì được yêu cầu bám sát biên, Mazraoui được chỉ đạo di chuyển thường xuyên vào khu vực hành lang trong cánh phải, nhường lại biên cho Antony. Từ đó, Mazraoui có thể thực hiện những pha chồng cánh trong, hoặc đâm vào vòng cấm đối thủ.
Bên cánh đối diện, tùy từng thời điểm, Dusan Tadic có thể bám biên trái, có thể bó vào trong đá sau lưng tiền đạo mục tiêu Sebastien Haller và nhường lại biên cho Gravenberch hoặc Blind, có khi dâng lên hợp cùng Haller trở thành một cặp mũi nhọn.
Có thể thấy, Ten Hag chủ trương xếp rất đông cầu thủ tham gia tấn công, với ý đồ tạo thành một lớp tấn công có lúc lên tới 5-6 cầu thủ, khai thác khoảng trống giữa hai tuyến của đối thủ và kéo dãn chiều ngang sân hết mức. Cách triển khai tấn công này của Ajax rất giống với Bayern Munich hiện tại của Julian Nagelsmann, khi HLV người Đức từng nói rằng ông muốn kéo dãn tuyến hai của đối thủ đến mức tối đa và đồng thời từ đó dễ dàng tạo thành một "làn sóng thứ hai" để đoạt lại bóng ngay sau khi đánh mất.
Sự có mặt của bản hợp đồng Steven Berghuis rõ ràng đã mang đến một sức tấn công mạnh mẽ hơn cho Ajax mùa này. Nếu như trong màu áo Feyenoord, Berghuis chủ yếu thi đấu ở cánh phải, thì giờ đây, anh được Ten Hag xếp đá ở giữa và như đã nói là vị trí số 10, bên cạnh Gravenberch. Mùa giải này, ở giải vô địch quốc gia Hà Lan và Champions League, Berghuis đã ghi được năm bàn và bảy kiến tạo.
Nếu như Dusan Tadic đã xác lập được chỗ đứng thì Antony mới gia nhập Ajax được hơn một năm rưỡi. Tadic thuận chân trái được bố trí đá cánh trái, trong khi Antony thuận chân trái được bố trí đá cánh phải. Nhưng chính ở vị trí trái kèo này, tiền đạo cánh người Brazil đang dần trở thành một Arjen Robben với lối đá không thể nhầm lẫn: Di chuyển kỹ thuật từ cánh phải bó vào trong rồi tung ra những cú cứa lòng hoặc những đường chuyền sắc lẹm bằng chân trái. Trước Dortmund mới đây, Antony tung ra hai đường chuyền theo phong cách quen thuộc dẫn tới hai bàn cho Ajax.
Đối thủ biết rõ Antony sẽ làm gì, nhưng đơn giản là họ không thể ngăn cản. Nạn nhân trong cả hai trận đấu gần nhất của Ajax ở Champions League không ai khác ngoài Mats Hummels.
Chẳng phải đợi đến trận lượt về mới đây Antony mới khiến trung vệ người Đức này bị truất quyền thi đấu. Từ lượt đi trên đất Hà Lan, cầu thủ trẻ 21 tuổi đã làm tình làm tội Hummels, khi một lần khiến đối phương phạm lỗi dẫn tới quả đá phạt mà từ đó bàn mở tỷ số được ghi cho Ajax, và một lần thi triển cú đi bóng điển hình loại bỏ Hummels để tự mình ghi bàn thắng thứ ba của trận đấu.
Và cuối cùng, không thể không nhắc tới Sebastien Haller. Sự đa dạng của những cầu thủ sáng tạo và làm bóng đã giúp Haller phát huy được những điểm mạnh nhất của bản thân, đấy chính là làm chủ khu vực cấm địa để săn bàn. Di chuyển thông minh và tận dụng chiều cao tốt, tiền đạo mục tiêu 27 tuổi này đến nay đã có 7 bàn ở giải vô địch quốc gia Hà Lan lẫn 7 bàn ở Champions League. Trung bình mỗi trận, Haller tung ra 3,4 – 3,8 pha dứt điểm, số lần thắng không chiến của anh đạt mức 3,1 – 4,3 lần. Cả thảy 14 bàn trên hai mặt trận của Haller đều được ghi bên trong vòng 16m50.
Vẫn còn quá sớm để dự báo Ajax vủa Erik ten Hag có thể tiến sâu và viết lại câu chuyện oai hùng như từng làm được ở mùa giải 2018-2019 hay không. Nhưng có một thứ chắc chắn lúc này, trải qua bao cuộc bể dâu, bao sự chia tay, chừng nào Erik ten Hag vẫn còn tại vị, đội chủ sân Johan Cruyff Arena vẫn sẽ luôn mang đến một thứ bóng đá tấn công cuồng nhiệt.
Hoàng Thông