Lần đầu tổ chức, triển lãm hàng không cao cấp Airshow 2022 góp phần khẳng định vị thế mới của ngành hàng không cũng như lĩnh vực du lịch cao cấp của Việt Nam.

"Việt Nam là sự lựa chọn sáng giá tại châu Á cho sự xuất hiện của những chiếc máy bay Gulfstream", ông Scott Neal - Phó Chủ tịch cấp cao mảng kinh doanh toàn cầu của Gulfstream, phát biểu trong Triển lãm hàng không Airshow 2022 tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn hôm 5-6/11 do hãng Hàng không chung cao cấp Sun Air của Sun Group phối hợp cùng hãng máy bay Gulfstream tổ chức.

Đó không phải là câu nói chỉ để người Việt vui lòng. Bởi, một hãng máy bay nổi tiếng sang trọng bậc nhất thế giới như Gulfstream sẽ luôn đặt ra những tiêu chuẩn đặc biệt trong việc lựa chọn điểm đến để xuất hiện.

"Gần đây, chúng tôi đã tổ chức các triển lãm tại trụ sở chính ở Savannah, Georgia và các cơ sở hỗ trợ khách hàng ở Fort Worth, Texas, Mỹ cũng như ở Paris và Farnborough, hay London...", ngài Scott Neal mở đầu câu chuyện khi nói về Airshow tại Vân Đồn. Những địa điểm mà Gulfstream đặt chân đến để triển lãm đều là "kinh đô" của lối sống thượng lưu. Triển lãm Airshow tại Vân Đồn là điểm dừng chân đầu tiên ở châu Á trong tour vòng quanh thế giới của G700 vừa ra mắt hồi cuối tháng 10. "Mang G700 về Việt Nam và trưng bày cùng với G600 và G650ER là một cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi", Scott Neal nói thêm.

Triển lãm hàng không cao cấp - Airshow 2022 do Gulfstream và hãng hàng không Sun Air phối hợp tổ chức trở thành một dấu mốc đặc biệt cho phân khúc hàng không cao cấp tại Việt Nam khi những chiếc máy bay siêu tốc độ, an toàn, và sang trọng bậc nhất thế giới lần đầu xuất hiện. Hai huyền thoại Gulfstream G600 và G650ER có mặt tại triển lãm đã chinh phục nhiều giải thưởng trong lĩnh vực hàng không. Đây là hai dòng máy bay có hiệu suất bay vượt trội, khả năng bay ở tốc độ cao, có thể bay xa và nhanh hơn.

Gulfstream cũng chọn Airshow 2022 tại Vân Đồn để lần đầu tiên ra mắt thị trường châu Á dòng chuyên cơ G700. Theo đại diện của hãng, Gulfstream G700 có khoang máy bay dài, rộng và cao nhất và được thiết kế đến 5 khu vực sinh hoạt linh động, gồm phòng lớn, khu vực bếp, phòng tắm tiện nghi.

Có nhiều lý do khiến hãng máy bay sang trọng và danh tiếng bậc nhất thế giới chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên tại châu Á, để ra mắt chuyên cơ dẫn đầu thị trường. Theo ông Scott Neal, Gulfstream nhận thấy đang có mối quan tâm khá ổn định tại Việt Nam và đây là một thị trường quan trọng, mạnh mẽ đối với dòng máy bay này.

Theo tính toán, thị trường máy bay phản lực tư nhân toàn cầu sẽ tăng từ 29 tỷ USD lên 38,34 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR là 4,06%. Bắc Mỹ vẫn đang là nơi có đội máy bay tư nhân lớn nhất thế giới với 15.547 máy bay đăng ký từ nhiều quốc gia trong khu vực. Trong đó, châu Á có số lượng máy bay tư nhân lớn thứ ba trên thế giới, với 1.570 máy bay đăng ký từ các quốc gia khác nhau trên lục địa.

Trong bức tranh tổng thể của hàng không cao cấp tại châu Á, Việt Nam đang được đánh giá là một thị trường tiềm năng.

Nhu cầu di chuyển với tốc độ nhanh, an toàn và tiện nghi, có thể làm việc và nghỉ ngơi đưa máy bay thương gia (private jet) trở thành lựa chọn hàng đầu của các doanh nhân, tỷ phú. Trong lãnh địa private jet, Gulfstream là cái tên được yêu chuộng hàng đầu. Hai tỷ phú Bill Gates và Jeff Bezos đều sở hữu 2 chiếc Gulfstream G650ER. Trong khi đó, Elon Musk sở hữu tới 3 chiếc Gulfstream và một trong số đó là máy bay đời mới nhất Gulfstream G700.

Ở Việt Nam, máy bay thương gia không mới. Hàng không chung cũng được một số doanh nghiệp trong nước khai thác. Có thể kể tới như Hải Âu Aviation khai thác dịch vụ bay ngắm cảnh với thủy phi cơ tại Hạ Long; hay Vietstar Airlines với dịch vụ Fly Vip với các tổ bay nhỏ như Beechcraft King Air B350, Embraer Legacy 600, Legacy 650 cho thuê theo nhu cầu. Nhưng lĩnh vực đầy tiềm năng và thách thức trong phân khúc hàng không chung này chỉ mới được mở rộng, khi Sun Group ra mắt hãng hàng không chung cao cấp Sun Air vào tháng 3 vừa qua.

Sun Air có tham vọng lớn hơn khi khai thác phân khúc hàng không cao cấp lần đầu tiên có tại Việt Nam. Theo đó, hãng cung cấp các dịch vụ bay đẳng cấp được cá nhân và chuyên biệt hóa, với hai loại hình: dịch vụ thương mại và quản lý tàu bay tư nhân và dịch vụ bay thuê chuyến, bay tham quan ngắm cảnh.

Sáu tháng sau khi ra mắt, thông qua việc kiểm chứng đảm bảo tuân thủ đầy đủ và tuyệt đối các tiêu chuẩn khai thác nghiêm ngặt, Sun Air được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận Người khai thác tàu bay (AOC) hồi tháng 9 với phạm vi khai thác gồm nội địa và quốc tế. Lần lượt trong tháng 9 và tháng 10, các tàu bay Gulstream G650ER đầu tiên của Sun Air chính thức đưa vào khai thác.

Ngoài Gulfstream, Sun Air còn đang làm việc với các thương hiệu máy bay nổi tiếng nhất thế giới hiện nay như hãng trực thăng Agusta, Airbus, Sikorsky hay hãng thuỷ phi cơ De Havilland Canada, hãng sản xuất máy bay Cessna thuộc Tập đoàn Textron Mỹ, để mang tới khách hàng Việt những chiếc may bay và dịch vụ bay đẳng cấp bậc nhất thế giới.

Hãng hàng không của Sun Group cho biết, sẽ đưa G700 về khai thác tại Việt Nam từ năm 2024. Màn chào sân ấn tượng của chiếc máy bay có hiệu suất bay vượt trội, khả năng bay xa và nhanh hơn tại triển lãm hàng không cao cấp Airshow 2022 vừa qua cũng được kỳ vọng sẽ nâng tầm vị thế Việt Nam.

Với sự ra đời của Sun Air, hàng không chung Việt Nam có thể tiệm cận các chuẩn mực cao cấp toàn cầu, đồng thời đem đến những nhà đầu tư, nguồn khách hàng mới, từ đó, nâng tầm vị thế Việt Nam như một thị trường cao cấp mới của thế giới.

Thực tế, hàng không 5 sao là một mảnh ghép cần thiết để Việt Nam không chỉ phát triển ngành vận tải cao cấp, mà còn tạo một hệ sinh thái trọn vẹn, để hút khách du lịch và thúc đẩy thương mại. Chỉ riêng năm 2019, trong 116 triệu lượt khách hàng không của Việt Nam, có tới 42 triệu khách quốc tế và khoảng một nửa trong số này đến Việt Nam để đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn, kinh doanh.

Một hệ sinh thái du lịch, nghỉ dưỡng, hạ tầng giao thông và dịch vụ cao cấp là điều cần thiết, để mang tới cho nhóm khách hàng quan trọng này những dịch vụ xứng tầm. Sự ra mắt của Sun Air cùng những sản phẩm dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp của Sun Group sẽ hiện thực hóa điều này.

Chọn bắt tay hãng private jet hàng đầu thế giới Gulfstream, Sun Air không chỉ mang về Việt Nam những trải nghiệm bay thượng hạng. Hãng bay của Sun Group cũng là đại diện độc quyền của thương hiệu Gulfstream tại Việt Nam, để nhằm mở rộng thị trường và cung cấp các dịch vụ, vận hành, bảo dưỡng ở đẳng cấp 5 sao cho các khách hàng Việt sở hữu những chuyên cơ hạng sang này. Như vậy, người Việt có thể sử dụng các dịch vụ hàng không chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam - một trải nghiệm mà không phải quốc gia nào cũng có, đặc biệt là tại châu Á.

Trong bức tranh hệ sinh thái đẳng cấp mà Sun Group đang kiến tạo khắp ba miền đất nước, Sun Air và những chuyên cơ hàng đầu mà hãng này sẽ đưa về Việt Nam khai thác đóng vai trò như một mắt xích quan trọng, kết nối hệ thống sân bay, cảng biển, cao tốc hiện đại được tập đoàn này đầu tư với những khu nghỉ dưỡng. Đó là sân bay Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long hay các khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (Đà Nẵng), JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay (Phú Quốc), Hotel de la Coupole Mgallery (Sa Pa), Capella Hanoi...

Đồng thời, các bất động sản cao cấp được kiến tạo với tiêu chuẩn quốc tế cũng được tập đoàn này đầu tư tại nhiều điểm đến như Phú Quốc, Đà Nẵng, Hạ Long... và đang trở thành thỏi nam châm hút nguồn đầu tư lớn từ cả trong nước và quốc tế. Cộng hưởng với đó là một hệ thống các khu vui chơi giải trí Sun World mang đến các trải nghiệm hàng đầu châu Á.

Việt Nam, từ một điểm đến giá rẻ, đang khẳng định sự thay đổi vị thế của mình, để trở thành điểm đến sang trọng mới của thế giới - nơi các nhà đầu tư quốc tế đến để tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư sinh lời. Thay vì phải ra nước ngoài để chơi công viên, thì giờ đây, người Việt có thể trải nghiệm private jet, nghỉ dưỡng 6 sao, vui chơi ở những tổ hợp du lịch hay công viên chủ đề hàng đầu châu Á.

Nội dung: Tâm Anh

|

Thiết kế: Thái Hưng

|

Kỹ thuật: Sơn Bá