Quý IV/2020, hãng bay giá rẻ AirAsia ghi nhận khoản lỗ ròng 2,44 tỷ ringgit (589,1 triệu USD), trong khi cùng kỳ 2019 chỉ lỗ 384,4 triệu ringgit. Doanh thu giai đoạn này cũng chỉ còn 267,4 triệu ringgit, so với 3,23 tỷ ringgit cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý IV khiến lỗ ròng cả năm 2020 của AirAsia tăng vọt lên 5,1 tỷ ringgit, cao hơn nhiều mức lỗ 315,8 triệu ringgit năm 2019. Cùng với đó, doanh thu năm ngoái của hãng chỉ là 3,14 tỷ ringgit, so với 11,86 tỷ ringgit năm trước đó.
Tuy nhiên CEO kiêm Đồng sáng lập AirAsia Tony Fernandes vẫn tỏ ra lạc quan về tương lai và cho biết sự phục hồi đang ở trước mắt nhờ nhiều lý do. Đó là các chương trình tiêm chủng đang được đẩy nhanh trên toàn thế giới, năng lực xét nghiệm được cải thiện, khả năng ra mắt hộ chiếu sức khỏe kỹ thuật số toàn cầu, nhu cầu du lịch giải trí tăng và quy trình không tiếp xúc mà AirAsia đã áp dụng.
"Chúng tôi rất lạc quan rằng du lịch quốc tế bằng đường hàng không sẽ hồi phục nửa cuối năm 2021, giúp hãng khôi phục hoạt động hoàn toàn trong vòng hai năm tới", ông nói.
AirAsia vẫn đang triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí, bao gồm cắt giảm nhân lực và lương của ban quản lý, nhân viên và giám đốc. Hãng cũng nỗ lực bảo toàn tiền mặt bằng cách đàm phán để tái cơ cấu các khoản thanh toán với nhà cung cấp, đối tác.
Họ đã mua 32,7% cổ phần của AirAsia Ấn Độ sau khi đóng cửa AirAsia Nhật Bản. "Tất cả những quyết định khó khăn này được đưa ra để đảm bảo sự phục hồi nhanh chóng ở ASEAN, nơi thương hiệu của chúng tôi mạnh nhất", ông nói.
Năm ngoái, AirAsia kiếm được 377,2 triệu ringgit từ việc thanh lý động cơ và thu được 229,4 triệu ringgit từ bán cổ phần trong AirAsia India cho Tata Sons. AirAsia đang huy động 2,5 tỷ ringgit, gồm khoản vay 300 triệu ringgit từ Ngân hàng Phát triển bang Sabah và một khoản vay không được tiết lộ từ chính phủ liên bang nhằm hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Lãnh đạo AirAsia Group cũng đã tiết lộ các kế hoạch mở rộng mảng kinh doanh kỹ thuật số đầy tham vọng, trong lúc mảng hàng không cốt lõi chật vật. AirAsia Digital, công ty quản lý mảng phi hàng không, đang xây dựng các mảng kinh doanh gồm nhà hàng, dịch vụ giao đồ ăn và chuyển phát nhanh để thu hút nhà đầu tư.
"Chúng tôi có thêm động lực từ những dấu hiệu khả quan ban đầu trong quá trình chuyển đổi số. Hy vọng doanh thu kỹ thuật số và phi hàng không sẽ đóng góp khoảng 50% cho tập đoàn trong 5 năm tới", Fernandes cho biết.
Phiên An (theo Nikkei)