Đối tác mua AIG Private Bank là Công ty cổ phần đầu tư Aabar thuộc Abu Dhabi, một trung tâm tài chính, giao thông vận tải Các tiểu vương quốc Ả rập.
Thông báo trên được AIG phát đi hôm 1/12. Đây là một phần trong kế hoạch khôi phục công ty bảo hiểm có quy mô rộng lớn nhất Mỹ. Qua thương vụ, AIG Private Bank sẽ trở thành công ty tài chính độc lập, trụ sở đặt tại Switzerland với các chi nhánh và văn phòng đại diện trải rộng tại Hong Kong, Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore và Dubai. Đồng thời công ty cũng tiết lộ khả năng mở rộng phạm vi hoạt động tại châu Âu, châu Á, Trung Đông.
AIG Private Bank chuyên cung cấp giải pháp quản lý tài sản và dịch vụ ngân hàng cá nhân. Ngân hàng này được thành lập năm 1965 và có trụ sở tại Zurich, Switzerland, nay sẽ tồn tại với tư cách doanh nghiệp dưới tên mới và tiếp tục phát triển các dịch vụ tài chính của mình.
Chủ tịch AIG Private Bank Eduardo Leemann và đội ngũ lãnh đạo của công ty vẫn tại nhiệm. Công ty không công bố các con số cụ thể trong thương vụ này, nhưng khẳng định các doanh nghiệp bảo hiểm ngoại quốc và tài sản ở chính quốc vẫn được giữ lại. Lãi suất của các chi nhánh bảo hiểm nhân thọ ở nước ngoài và quyền lợi của khách hàng sẽ được đảm bảo.
Tập đoàn AIG ở chính quốc trong tháng 9, 10 vừa qua đã phải cầu cứu Chính phủ Mỹ giải quyết vấn đề thanh khoản. Sau khi được bơm 85 tỷ USD hồi tháng 9 vừa qua, AIG đã đồng ý chuyển gần 80% cổ phần cho Cục Dự trữ liên bang (FED) nắm giữ.
Theo nhà phân tích Robert Bolton, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Mendon Capital Advisors của Mỹ, nếu AIG sụp đổ, những tác động của vụ này tới hệ thống tài chính toàn cầu sẽ là “vô tiền khoáng hậu”.
Nhận thấy tầm ảnh hưởng của đại gia bảo hiểm này trong hệ thống tài chính Mỹ và toàn cầu, chính phủ Mỹ đã phải ra tay một lần nữa. Đến đầu tháng 10, khoản tiền 37,8 tỷ USD lại được tung ra nhằm tránh cho AIG khỏi sự đổ vỡ. Tổng số tiền cứu trợ cho tập đoàn này tính đến nay đã là 150 tỷ USD. AIG có 1.100 tỷ USD tài sản và 74 triệu khách hàng trên toàn thế giới.
Phương Trang (theo AP)