Công trình được một nhóm nhà soạn nhạc, kỹ sư nghiên cứu trong hai năm, giới thiệu tới công chúng hôm 9/10 ở Bonn, Đức - quê hương của Beethoven. Trên Youtube, đa số khán giả khen bản nhạc. Tài khoản Sally Nylund nhận xét: "Những gì tôi đang nghe đúng là âm nhạc của Beethoven". "Tôi thích cách sử dụng đàn organ ở phần liên khúc. Tôi đồng ý với nhiều người rằng Bản giao hưởng số 10 chứa đựng hoài niệm, sự kính trọng Beethoven dành cho Bach và Handel", tài khoản John Bader viết. Một số người khác khen sản phẩm thú vị nhưng thiếu sự kết nối tinh tế giữa các phần như những tác phẩm của Beethoven.
Trong bài viết tờ The Independent đăng hôm 14/10, Giáo sư Ahmed Elgammal của Đại học Rutgers (Mỹ) - người khởi xướng dự án - nói ông biết sẽ có người không đồng tình bởi quan niệm nghệ thuật vượt qua các thuật toán, AI. Tuy nhiên, ông cho rằng trí tuệ nhân tạo là công cụ mở ra cánh cửa để các nghệ sĩ thể hiện bản thân theo cách mới.
Ahmed Elgammal nảy ra ý định viết tiếp Bản giao hưởng số 10 từ năm 2019. Ông đã liên hệ với Tiến sĩ Matthias Roeder, Giám đốc viện Karajan, một tổ chức ở Áo, để trình bày ý tưởng. Ông Roeder tập hợp nhóm nghiên cứu, trong đó có nhà soạn nhạc người Áo Walter Werzowa - người phụ trách lên ý tưởng bố cục cho tác phẩm. Nhà soạn nhạc Mark Gotham làm nhiệm vụ sao chép các bản phác thảo của Beethoven, xử lý toàn bộ tác phẩm của ông để tạo nguồn dữ liệu đầu vào. Robert Levin - nhà âm nhạc học tại Đại học Harvard - cũng tham gia. Ông là nghệ sĩ dương cầm, từng tham gia hoàn thiện một số bản nhạc của Mozart và Johann Sebastian Bach.
Giáo sư Ahmed Elgammal cho biết công việc gặp nhiều trở ngại do các AI ở thời điểm đó còn đơn giản, chưa thực hiện được nhiều thao tác phức tạp. Họ mất nhiều thời gian "huấn luyện" AI hiểu phong cách sáng tác của nhà soạn nhạc, cách ông phát triển các nốt thành những bản giao hưởng, tứ tấu và sonata sôi động. Chẳng hạn, AI tham khảo cách Beethoven xây dựng Bản giao hưởng số năm theo mô típ bốn nốt "ngắn-ngắn-ngắn-dài" lặp lại. Ngoài ra, AI cũng học kết nối, sắp xếp các phần, đồng thời chỉ định các nhạc cụ cho từng khúc khác nhau. Họ từng biểu diễn nhiều buổi thử nghiệm cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu trước khi công bố dự án.
Beethoven qua đời năm 1827, ba năm sau khi hoàn thành Bản giao hưởng số chín. Ông đã viết phác thảo và một số ý tưởng cho Bản giao hưởng số 10, nhưng sức khỏe ngày càng suy kiệt. Năm 1998, nhà nghiên cứu âm nhạc Barry Cooper đã nghiên cứu 250 bản phác thảo của Beethoven, từ đó tìm ra phong cách của ông để viết tiếp chương một và chương hai của Bản giao hưởng số 10. Tuy nhiên, phiên bản này không phổ biến rộng rãi.
Theo tạp chí Times, trí tuệ nhân tạo gắn bó với âm nhạc từ lâu, nhưng chỉ được ứng dụng rộng rãi trong vài năm gần đây. Từ năm 1951, Alan Turing, người tiên phong ngành khoa học máy tính, đã chế tạo một chiếc máy tạo ra ba giai điệu đơn giản.
Những năm 1990, David Bowie làm nhạc với ứng dụng kỹ thuật số, có khả năng tạo ra các lời bài hát ngẫu nhiên, để lấy cảm hứng. Năm 2018, Francois Pachet ra mắt album nhạc pop được sáng tác bằng trí tuệ nhân tạo - Hello, World. Một năm sau, ca sĩ kiêm nhạc sĩ thử nghiệm Holly Herndon nhận được nhiều sự tán thưởng cho Proto - album cô hòa âm với phiên bản AI của chính mình. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng AI không thể tạo ra các tác phẩm kinh điển.
Năm 2016, bài hát Daddy's Car do AI viết lời, bắt chước phong cách của The Beatles, bị chê là "mớ bòng bong". Ở Việt Nam, mô hình AI của kỹ sư Nguyễn Hoàng Bảo Đại ra mắt đầu năm nay, có thể viết 10 bài hát trong một giây.
Hà Thu (theo Independent)