Năm 2019, Nvidia đã ra mắt công cụ AI chuyên vẽ tranh tên GauGAN. Người dùng chỉ cần thác thảo vài nét vẽ cơ bản, AI sẽ tự động tạo ra những bức tranh phong cảnh. Công nghệ được sử dụng trong công cụ này là Generative Adversarial Network (GAN), đây cũng là mô hình học sâu, đang được sử dụng nhiều trong giới AI để tạo hình ảnh. Nền tảng này từng gây ấn tượng mạnh đến mức trang web của GauGAN từng bị "sập" do quá nhiều người truy cập cùng lúc.
Tuy nhiên, phần lớn những bức tranh được tạo ra bằng AI đều mang phong cách nghệ thuật phương Tây với các tác phẩm thuộc chủ nghĩa hiện thực, hậu hiện đại và thậm chí là trừu tượng. AI hiếm khi "trình diễn" sức mạnh của mình trong nghệ thuật truyền thống phương Đông. Vì vậy, Alice Xue, sinh viên Đại học Princeton, một trong những trường cổ xưa nhất của nước Mỹ đã phát triển mô hình AI tên Sapgan (Sketch-And-Paint GAN). AI này có thể tạo ra các bức tranh thuỷ mặc truyền thống của Trung Quốc với chất lượng nghệ thuật đáng kinh ngạc. Dự án của Alice Xue cũng giành giải luận văn tốt nghiệp xuất sắc nhất Princeton 2020.
Sapgan vẽ tranh tương tự các hoạ sĩ: Phác thảo trước rồi tô màu. Các thao tác này mô phỏng các bước vẽ tranh truyền thống của Trung Quốc gồm điểm mực, phác thảo, tạo hình, chấm, tô màu... Để AI có thể tuân thủ các bước truyền thống, Alice đã lập trình hai giai đoạn cho AI là SketchGAN và PaintGAN.
SketchGAN sẽ thu thập các hình ảnh ảnh, tranh thuỷ mặc có độ phân giải cao, sau đó tạo ra các bản phác thảo trước khi được chuyển sang giai đoạn PaintGAN để hoàn thiện bức tranh.
Trong khảo sát nhỏ trên 242 người, 55% số người được hỏi cho rằng các tác phẩm do Sapgan tạo ra "thật" hơn nhiều so với tranh do các hoạ sĩ vẽ. Ngay cả những người Trung Quốc, hiểu về tranh thuỷ mặc vẫn rất bối rối khi xem tranh do AI vẽ.
Tác giả cũng thử so sánh khả năng nhận diện giữa những người gốc Trung Quốc với người phương Tây. Kết quả khá thú vị, trong khi 49% người nói tiếng Trung nhận diện chính xác tranh thuỷ mặc vẽ tay và tranh do AI vẽ thì 73,5% người nói tiếng Anh cho kết quả đúng. Nói các khác, càng quen thuộc với nghệ thuật truyền thống, họ lại càng khó phân biệt nó với các tác phẩm từ thuật toán.
Trong các bài đánh giá, xét về "sự sáng tạo", "tính minh triết", "thẩm mỹ", các tác phẩm của Sapgan luôn đạt điểm cao hơn so với tranh của các hoạ sĩ. Khác biệt lớn nhất mà người dùng có thể nhận ra là "độ trong" của các tác phẩm.
Điểm đặc biệt của AI này là người lập trình lên nó không phải một sinh viên chuyên ngành AI. Cô cũng tự tay thu thập 2.192 bức tranh thuỷ mặc để làm dữ liệu cho máy học, thay vì lập trình lên một thuật toán để chúng tự tìm hình ảnh trên Internet. Có thể đây là khác biệt mẫu chốt khiến các tác phẩm từ AI của Sapgan trông "tự nhiên" hơn các tác phẩm nghệ thuật khác.
Alice cho biết, dữ liệu về tranh thuỷ mặc cũng là điểm yếu trong thuật toán của cô. Số lượng và chất lượng đều không đủ khiến các tác phẩm AI vẫn chưa thể sáng tác số lượng lớn. Các bức tranh này cũng chưa thương mại hóa, chúng được đăng tải lên GitHub để cộng đồng có thể sử dụng.
Kim Cương (theo AI Era)