Trên sân khấu Nhà hát Lớn vào đêm kỷ niệm nhà hát Nhạc nhẹ TƯ tròn tuổi 20, dù đã ở tuổi 52, Ái Vân - với vẻ duyên dáng sang trọng vượt thời gian của mình - đã vừa cùng lúc gợi nhắc một Hồng Nhung "thiếu nữ" của váy bồng răng khểnh, lại vừa gợi nhớ một Lê Khanh nữ tính chết người của mắt ngấn nước, cổ cao... Lại thêm một người phụ nữ Hà Thành được sinh ra như chỉ để... mặc váy thật khéo, đi đứng thật duyên, nói cười sáng và có lẽ, không cần phải có tài cũng đã đủ khiến... đàn ông vui rồi.
Ca sĩ Ái Vân. (Đẹp) |
Và quả thật, ấn tượng về Ái Vân lúc này không hẳn là giọng hát, so với thời chị đoạt Giải thưởng lớn tại Đức, cũng là giải thưởng đầu tiên về nhạc nhẹ trên trường quốc tế của VN, cũng như khi đặt chị trong so sánh với những phong cách nhạc nhẹ ấn tượng khác sau này.
Khác, có thể không hẳn vì chị yếu đi, vì thời gian phá giọng, mà có thể đến một lúc nào đó, trong một tương quan mới, bằng một style nghe nhạc mới, người nghe có thể được quyền "bắt" ca sĩ phải xử lý bài hát ở một trình độ cao hơn, bài bản hơn, riết róng hơn, góc cạnh hơn. Kiểu như Mỹ Linh từng chót vót với Trên đỉnh Phù Vân hay Thanh Lam từng quặn thắt với Không thể và có thể..., thì dấu ấn, lúc ấy may ra mới đủ xoáy một vệt dài.
Còn như hôm nay khi nghe chị hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (cùng Quang Thọ) hay thậm chí Triệu đóa hồng - bài hát tủ một thời - mặc dù ít nhiều vẫn gợi nhớ một Ái Vân luôn yêu kiều đằm thắm với những giai điệu tươi tắn nhẹ nhàng, nhưng bấy nhiêu, phần nào đó vẫn tựa như một đôi gót chân quá nhỏ và quá nhẹ khó lòng ghi lại ấn tượng.
Chị cũng nói: "Nghe Linh hát Trên đỉnh Phù Vân hay Lam hát Chia tay hoàng hôn lắm lúc mình như nổi da gà vì nể các em quá. Nếu như ở thời mình, một lối hát âm vang, tròn vành rõ chữ là cái đích chinh phục chung và phần nào đó làm nên phong cách "một màu" thì đến thời các em, cái "một màu" đó phải nhường chỗ cho một vườn hợp sắc, mỗi cây mỗi hoa, mỗi hoa mỗi hương, mỗi người mỗi giọng... Có cảm giác các em hát "đời" hơn, day dứt hơn, khắc khoải hơn... Bản thân cuộc sống có lẽ cũng vốn đã thay đổi thế. Thôi thì tốt nhất, mỗi người hãy làm đúng với chất của mình, để góp được vào thời của mình một chút gì đó gọi là giọng điệu. Giống như tôi, một thời giữa một biển âm vang, là một chút nhẹ nhàng...".
"Một chút nhẹ nhàng" ấy, khi qua trời Tây, bên cạnh những bài hát tủ như Triệu đóa hồng, Hà Nội mùa thu... giờ được thêm vào những bài dân ca Bắc Bộ cũng nhẹ nhàng không kém: Qua cầu gió bay, Người ơi người ở... hay những ca khúc của Ngô Thụy Miên, Đức Huy, Phạm Duy, Văn Cao... Vẫn tập thêm bài mới, nhưng với Ái Vân điều đó không hẳn là mạnh dạn.
Thay đổi "liều" nhất, có lẽ là... diễn hài kịch. Không gian sống mới dường như không bắt Ái Vân phải vật lộn với mấy chữ "làm mới mình" vẫn thường "làm khổ" một đời sáng tạo. Một phần, là do người nghe xa xứ sẵn có nhu cầu nghe những bài đậm nét, nhẹ nhàng kiểu ấy. Một phần, cũng là quan niệm làm nghề cố hữu ở chị, như một hệ số an toàn.
Thay đổi phong cách - dù có thể - đôi lúc rất muốn, nhưng tuổi tác, liệu có kịp đã đưa ra được một cái mới phù hợp hơn không, có còn cơ hội thử nghiệm? Thử tưởng tượng, Ái Vân của thuở tứ tuần, ngũ tuần mà tập hát lửa bằng pop rock thì khác nào, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương cố "mềm hóa" mình bằng dân ca quan họ...
Nhẹ nhàng, dù những chuyến đi diễn của chị, như nhiều ca sĩ hải ngoại khác tại Mỹ, giờ đây không còn nhẹ nhàng như hồi trong nước cũng như thời ở Đức - nơi cộng động người Việt không đông bằng và ít sống tập trung một chỗ nên sinh hoạt nghệ thuật cũng thưa thớt hơn.
Các điểm diễn tại Mỹ thường cách nhau rất ca cũng như cách xa nơi chị sống, có khi tới 7-8 giờ bay, đến nơi phải hát ngay, hát xong có khi lại phải ra sân bay ngay, mệt nhoài.
Khi vai dựa là một người chồng làm nghề kỹ sư điện tử từng định cư tại Đức rồi chuyển qua Mỹ, thì với Ái Vân, nhu cầu "đi hát để kiếm cơm" không hẳn là động lực, dù chị nói cát-xê cũng khá đáng kể. Nhu cầu được hát, được làm nghề hát lửa hơn nhiều.
Sau những năm tháng đứng trên đỉnh và đột ngột từ giã đỉnh, từng một năm trời chị hoang mang ở Đức (1990, một năm trước khi nhận được lời mời cộng tác của Thúy Nga Paris), năm thì mười họa mới được mời đi hát.
Hai năm sau đó thì sinh con - đứa con thứ hai với Ái Vân nhưng cũng là đứa con đầu của cuộc hôn nhân thứ hai. Một bé gái, giờ đã 14 tuổi còn xinh hơn mẹ.
Người "bán nghề" ấy cũng chính là người đã đôn đáo chạy xin giấy phép biểu diễn cho chị, để đến năm 2003, lần đầu tiên kể từ năm 1990, chị được phép về hát lại trong nước và tháng 4 năm nay, là lần thứ hai.
Từng có một nỗi đau trong cái nghĩa tình ấy của người bù đắp. Chị lúc đó đang trong những ngày hoang mang vì căn bệnh chết người mà chị phải chung sống: ung thư.
Kết cục xấu nhất là điều có thể tưởng tượng và đau xót để mà nôn nóng: còn kịp làm gì cho nhau? Với chị, liệu pháp tinh thần lớn nhất với chị lúc này là được gặp lại khán giả "nhà mình", dù là một tri ân cuối, khi còn dịp.
Gia đình Ái Vân trong dịp con trai ra trường. (Ảnh: Tiền Phong) |
May sao, trời cuối cùng đã không nỡ hại người: căn bệnh nhờ được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời nên giờ đây, hầu như chị đã vượt qua được cái ngưỡng an toàn. Giờ thì chị yên ổn sống cạnh người chồng tuổi Dần nhưng là "một con cọp thật hiền", cùng với hai con một trai một gái đều đã trưởng thành và đều cao to như Tây, trong một ngôi nhà hai tầng ở Cali, có vườn trồng hoa và hòn non bộ, ở một mức sống "tạm ổn, đủ để dám mua vé máy bay đi du dịch một cách ngẫu hứng".
Đã là lúc người của "triệu đóa hồng" không còn mơ đến một liveshow hay một đĩa nhạc cho riêng mình, cũng không còn mơ một thảo nguyên nào khác hơn dù cầm tinh con ngựa. Yêu chị lúc này là những người vẫn được chị chăm cho từng bữa ăn, mà chị thì hay được khen là nấu ăn ngon và hay vào bếp.
(Theo Đẹp)