Tại buổi giao lưu ở Ngôi Nhà Hạt giống tâm hồn nằm trên Đường Sách TP HCM, ca sĩ Ái Vân sẽ dành hai giờ đồng hồ trò chuyện về cuốn tự truyện, ký tặng sách và hát cho khán giả nghe những nhạc phẩm từng làm nên tên tuổi chị như: Triệu đóa hoa hồng, Bài ca xây dựng... Ngày 10/5, Ái Vân cũng bay ra Hà Nội chuẩn bị cho buổi giao lưu, ra mắt sách với bạn đọc thủ đô và các đồng nghiệp năm xưa của chị.
Sau buổi ra mắt sách nhiều cảm xúc ở TP HCM vào sáng 5/5, Ái Vân chia sẻ trên trang cá nhân: "Tôi hạnh phúc, xúc động và biết ơn. Xin cảm ơn tất cả những ai đã quan tâm, thương mến Ái Vân... Tôi không ngờ là sau bao nhiêu năm trôi qua vẫn có nhiều khán giả Sài Gòn luôn dõi theo và yêu mến mình. Tôi rất vui khi có nhiều độc giả đón nhận cuốn sách và tìm đọc nó để nghe Ái Vân trải lòng về những thăng trầm vui buồn đã qua, để cùng bạn bè và những người cùng thời ôn lại kỷ niệm về một thời gian khổ nhưng đẹp đẽ tình người. Tôi cũng ngạc nhiên khi có những độc giả trẻ nói với tôi rằng nhờ cuốn tự truyện này mà giờ họ mới biết tôi là ai, và sau đó, họ còn lên mạng tim nghe những bài hát trước đây của tôi".
Vừa mới đây, ca sĩ Ái Vân bất ngờ khi một bạn đọc tên Nguyễn Quốc đã tìm kiếm lại một bức ảnh chân dung của chị vào thập niên 70s, giai đoạn phim Chị Nhung được chiếu. Thời đó, sau bộ phim, Ái Vân nổi lên với vẻ đẹp kiêu sa, thanh thoát. Hình ảnh của chị đã khiến bao chàng trai Hà Nội ngây ngất. Những bức chân dung Ái Vân được rửa khổ nhỏ, bày bán với giá ba hào, được nhiều người mua để ngắm, làm vật lưu niệm. Giờ bức ảnh của hàng chục năm về trước được tìm lại và chia sẻ trên mạng xã hội gây thích thú cho nhiều người.
Tự truyện Để gió cuốn đi do chính Ái Vân viết. Không phải là nhà văn, lối diễn đạt cuốn hút, giàu hình ảnh và nhất là trí nhớ tốt của chị đã giúp cho độc giả hình dung được một thời đã qua của nữ nghệ sĩ trong bối cảnh của đất nước giai đoạn chiến tranh, gian khó. Chân dung của Ái Vân và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong bối cảnh đất nước giai đoạn thập niên 60s-80s cũng được phác họa với nhiều chi tiết cảm xúc. Cuốn sách còn là những thước phim quay chậm, tái hiện sống động những ký ức và cảm xúc về Sài Gòn những ngày sau giải phóng, cuộc sống nghệ sĩ bi hài thời bao cấp, làng nhạc nhẹ của Hà Nội một thời...
"Nhiều bạn đọc chú ý đến chi tiết Ái Vân bỏ trắng 8.808 chữ về cuộc hôn nhân thứ hai. Nhưng riêng tôi, tôi bị thu hút bởi những câu chuyện kể về đời sống nghệ sĩ thời bao cấp, về đại gia đình nghệ thuật của Nghệ sĩ Nhân dân Ái Liên...", bạn đọc Nguyễn Nam chia sẻ trên trang cá nhân.