Thảm họa xảy ở Paris không chỉ là một cuộc tấn công vào những nhà vẽ biếm họa, những người đã trả giá bằng mạng sống của họ, mà còn là một cuộc tấn công vào chính những người Hồi giáo trên khắp thế giới, đặc biệt những người Hồi giáo ở châu Âu. Mỗi khi có một cuộc tấn công dưới danh nghĩa Islam, dù ở quy mô nào, phần còn lại của thế giới Hồi giáo phải hứng chịu hậu quả của những hành động cực đoan này. Họ là những nạn nhân lớn nhất sau những cuộc tấn công.
“Chúng tôi phải hứng chịu những tổn thương tinh thần sau mỗi cuộc tấn công khủng bố xảy ra ở phương Tây. Cảm giác giống như đột nhiên chúng tôi phải cảm thấy tội lỗi vì những gì bọn khủng bố gây ra, cảm thấy sợ hãi bị người phương Tây kỳ thị và đánh giá. Gần đây tôi chợt nhận ra tôi bắt đầu có thói quen quan sát xem những đồng nghiệp châu Âu của tôi đang nghĩ gì, băn khoăn liệu họ có đang nghĩ về cuộc tấn công xảy ra ở Pháp và liên hệ việc đó với sự hiện diện của một người đạo Hồi ở đây là tôi. Ít ai thực sự tỉnh táo và bao dung để lắng nghe rằng chúng tôi cũng căm ghét chủ nghĩa khủng bố như bất kỳ ai, và mệt mỏi với việc phải chứng minh sự vô tội của chúng tôi chỉ bởi đức tin vào Islam”, một người bạn của tôi, gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống ở Berlin, tâm sự.
Rất nhiều người trong thế giới phương Tây không phân biệt được sự khác biệt giữa những kẻ khủng bố cực đoan và những người Hồi giáo bình thường. Bằng chứng là những phong trào chống Hồi giáo đang ngày một rộ lên mạnh mẽ ở châu Âu trong một tuần qua kể từ sau cuộc tấn công ở Paris. Tại Đức, nơi trú ngụ của hơn 4 triệu người Hồi giáo, chủ yếu gốc Thổ Nhĩ Kỳ, đã diễn ra hàng loạt cuộc biểu tình, kêu gọi chính phủ có những biện pháp kiểm soát vấn đề nhập cư chặt chẽ hơn và xóa bỏ chủ nghĩa đa sắc tộc ở Đức. Trong con mắt nhiều người, dù những vụ tấn công có được thực hiện bởi người đạo Hồi hay không, thì người đạo Hồi sẽ vẫn luôn là mục tiêu đầu tiên bị nhắm tới với những nghi hoặc và giận dữ. Người Ảrập Bắc Phi ở Pháp và người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỹ ở Đức đang và sẽ phải đối mặt với một thời kỳ đầy khó khăn trong thời gian tới. Những nỗi ám ảnh tràn ngập khắp nơi. Kết quả là ở Pháp, phe cánh hữu đang có lợi thế rất lớn trong các cuộc thăm dò, thậm chí nhiều người ủng hộ phe này đã bắt đầu kêu gọi trục xuất những người Hồi giáo ra khỏi Pháp. Không có nhiều hy vọng để thuyết phục được họ rằng những gì xảy ra chỉ là hành động của số ít kẻ khủng bố cực đoan mà thôi. Sự sợ hãi đã khiến nhiều người trở nên mù quáng.
Một bạn học cũ khác của tôi tham gia một buổi tuần hành “Je suis Charlie” ở Brussels, Bỉ chủ nhật vừa rồi, kể lại trong nỗi thất vọng: “Hai người đàn ông to con gốc Ảrập đứng bên kia đường dâng cao biểu ngữ và hô to khẩu hiểu chống khủng bố, một người phụ nữ Bỉ tóc vàng đứng cạnh tôi lẩm bẩm đủ để những người xung quanh nghe thấy: Bọn các người nên quay về nước mà giết nhau, đừng có sang châu Âu giết thêm người nữa”.
Có một sự thật mà ít ai nhận ra. Hơn một phần tư triệu người Syria bị giết trong ba năm qua và dường như thế giới không còn buồn nhắc tới. Hàng trăm nghìn người Iraq cũng chịu chung số phận nhưng liệu có bao nhiêu người trên thế giới này quan tâm? Thế nhưng khi một cuộc tấn công bởi những kẻ Hồi giáo cực đoan xảy ra ở phương Tây, cả thế giới dường như trở nên sôi sục, chĩa mũi giáo vào người đạo Hồi, dù họ vô tội và cũng như bao con người khác trên thế giới này, chỉ mong một cuộc sống hàng ngày yên bình, dù là ở Trung Đông hay châu Âu.
Tình hình chính trị thế giới đang trải qua những diễn biễn phức tạp và nhạy cảm. Hơn bao giờ hết, tôi cho rằng, những người Hồi giáo phải cùng nhau mạnh mẽ lúc này, nếu không muốn chủ nghĩa cực đoan thắng thế. Và ngược lại, người Pháp nói riêng và người phương Tây nói chung, cần đứng ở một vị trí bao dung để thể hiện rằng họ sẽ không vì những hành động cực đoan đơn lẻ kia mà làm tổn thương những người Hồi giáo vô tội. Điều này sẽ không chỉ tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người theo đạo Hồi và không theo đạo Hồi ở Pháp, mà trên khắp thế giới.
Hy vọng là điều cần đến sau những tội ác.
Huyền Trang