Trước khi đại dịch bùng phát toàn cầu, hệ thống nhận diện khuôn mặt hoạt động bằng cách đối chiếu khoảng cách giữa các đặc điểm trên khuôn mặt của hình ảnh gốc và ảnh mục tiêu cần nhận diện. Tuy nhiên, khi con người phải đeo khẩu trang che kín mũi, miệng và má, chỉ còn rất ít thông tin có thể được dùng để xác định danh tính.
Cuối tháng trước, viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST) công bố kết quả nghiên cứu các thuật toán nhận diện khi người thử nghiệm sử dụng khẩu trang. Báo cáo xác nhận hầu hết thuật toán được tạo ra trước thời Covid-19 đều không đáp ứng được yêu cầu. Thuật toán chính xác nhất được ghi nhận cũng chỉ nhận diện chính xác khoảng 50% số lần thử nghiệm.
Một số công ty công nghệ đã bắt đầu nghiên cứu phương pháp xác thực khuôn mặt dựa vào các vùng phía trên mũi, đặc biệt là vùng xung quanh mắt. Khả năng công nghệ này sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần.
Shaun Moore, CEO của Trueface, cho biết: "Nếu các công ty trong lĩnh vực này không nghiêm túc cải tiến và khắc phục công nghệ nhận diện khuôn mặt sớm, tôi không nghĩ là họ có thể tồn tại được lâu". Hiện công nghệ của Trueface đang được không quân Mỹ sử dụng để xác thực danh tính những người vào căn cứ.
Phần nhìn thấy được trên khuôn mặt
Khi đại dịch diễn biến xấu, Rahul Parthe, nhà đồng sáng lập công ty Tech5 có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), đã nhận được nhiều thắc mắc từ khách hàng về vấn đề khẩu trang. Họ muốn biết liệu độ chính xác của phần mềm nhận diện Tech5 có bị ảnh hưởng bởi các tấm che mặt hay không.
Tech5 chuyên cung cấp công nghệ nhận diện khuôn mặt, vân tay và mống mắt. Khách hàng của công ty này trải dài từ trung tâm chăm sóc sức khỏe đến cơ quan nhà nước. Parthe cho biết, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, công nghệ của Tech5 phải đối mặt với việc nhận dạng những khuôn mặt bị che một phần vì lí do tôn giáo.
Công nghệ của Tech5 nằm trong top 10 những thuật toán tốt nhất nhưng vẫn không thể nhận được người đeo khẩu trang chính xác. Theo Parthe, thuật toán cũ chỉ được thiết kế để phát hiện một số thay đổi trên khuôn mặt, như đeo thêm kính râm hay mọc thêm râu, chứ chưa đủ khả năng nhận người đeo khẩu trang.
Tech5 không phải chưa nghĩ đến công nghệ nhận diện vào vùng mắt và trán, nhưng chi phí tích hợp cảm biến quét mống mắt vào hệ thống nhận diện đã khiến hãng này chần chừ. Giờ đây, với yêu cầu phần mềm phải tương thích tốt với khẩu trang, công ty đang nghiên cứu một thuật toán mới nhằm bỏ qua phần khuôn mặt phía dưới mũi.
Giải pháp tương tự cũng được Trueface lựa chọn. CEO của công ty này cho biết: "Khẩu trang khiến chúng tôi phải suy nghĩ làm sao để thuật toán xử lý thông tin hiệu quả hơn". Chúng tôi đang huấn luyện phần mềm phân tích những phần nhìn thấy được trên khuôn mặt, thay vì cố gắng xác định một cặp kính râm hay khẩu trang. Bằng việc không phân tích phần dưới khuôn mặt, Trueface có thể đẩy nhanh quá trình nhận diện người đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng có nhiều rủi ro. Công nghệ nhận diện nói chung ngày càng bị giám sát kỹ lưỡng do lo ngại về độ chính xác. Cuối năm 2019, một báo cáo khác phát hiện sự thiên vị chủng tộc trong gần 200 thuật toán nhận dạng khuôn mặt. Cụ thể, các sắc tộc thiểu số có nhiều khả năng bị nhận dạng sai hơn người da trắng.
Đối với Marios Savvides, giáo sư ngành sinh trắc học tại Đại học Carnegie Mellon, phương pháp tập trung vào khu vực quanh mắt và trán lại có nhiều ưu điểm. Savvides cho biết vùng mắt và lông mày ít bị thay đổi nhất khi con người già đi hay tăng cân. Điều này có nghĩa là vùng này có thể sẽ giống nhau trong hình ảnh của cùng một người, ngay cả khi các bộ phận khác trên khuôn mặt đã thay đổi.
Chính xác cũng có thể gây hại
Trong khi việc nâng cao chất lượng nhận diện người đeo khẩu trang sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp, nó lại dấy lên vấn đề về độ chính xác và quyền riêng tư.
Clare Garvie, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Luật Georgetown về Quyền riêng tư và Công nghệ, lo ngại rằng các thuật toán mới sẽ kém chính xác. Garvie nói: "Tôi nghĩ rủi ro do nhận diện sai sẽ gia tăng đáng kể bởi những thuật toán mới sẽ dựa vào ít sinh trắc học hơn, dù các công ty điều chỉnh thuật toán thế nào đi chăng nữa".
Maria De-Arteaga tại Đại học Texas, Austin, lại quan ngại rằng khẩu trang dùng để ngăn chặn Covid-19 sẽ trở thành một lời biện minh cho việc phát triển công nghệ giám sát tinh vi hơn. Ví dụ, nếu nó được phát triển để nhận diện những người biểu tình che mặt, phản ứng nhận được sẽ rất khác.
Ngay cả khi những thuật toán mới này thành công, vẫn còn nhiều cách để che giấu bản thân. Ví dụ, nếu bạn đeo khẩu trang và kính râm, hầu như không còn đặc điểm khuôn mặt xuất hiện trong ảnh. Savvides nói: "AI không thể làm được gì với hình ảnh này".
Đăng Thiên (theo CNN)