Thật ra tôi đã suy nghĩ về việc này một vài năm nay, lo mai sau già ai sẽ chăm sóc mình khi ốm đau bệnh tật. Niềm vui khi tôi về già là gì? Tôi không biết liệu trốn tránh việc lập gia đình được bao lâu nữa? Ở đây tôi cũng không có bạn nhiều, không biết làm gì để vơi đi nỗi buồn khi nghĩ về một gia đình bình thường, có vợ con như những người bạn cùng lứa. Mỗi lần bạn bè đăng những tấm hình gia đình nhỏ quây quần trên mạng xã hội, tôi thấy cuộc đời thật bất công với những người đồng tính như chúng tôi.
Tội phạm hay một cô gái bán hoa rồi cũng có một gia đình bình thường nếu họ thực sự hoàn lương, làm lại cuộc đời. Những người khuyết tật còn có được sự cảm thông của xã hội, được ưu ái và kính trọng. Họ có thể đến với nhau, cuối cùng có một gia đình nhỏ, những đứa con, chăm sóc và chia sẻ ngọt bùi lúc còn trẻ hay về già. Còn những người như chúng tôi, chắc chỉ may mắn hơn những người bị bệnh hiểm nghèo hoặc người không may bị tâm thần.
Ở tuổi này, ao ước về một gia đình bình thường không được, rồi sức ép về việc cưới vợ nữa. Tôi là người tình cảm, muốn được gần gũi gia đình, bạn bè, muốn tụ tập gặp gỡ mọi người trong những dịp quan trọng. Tôi sợ tết, họp lớp, sợ những suy nghĩ của bạn bè, thầy cô, gia đình, sợ những lời đàm tiếu. Trong tình yêu, hơn 30 năm tôi chỉ yêu đơn phương hay thầm thương người nào đó, lặng lẽ đi bên họ rồi thôi. Tôi biết họ khác mình. Về bạn bè, ở đây đã ít, người cùng giới, cùng tuổi lại càng ít. Những người thân quen lần lượt ổn định cuộc sống riêng, còn tôi cảm giác bơ vơ cứ dần xâm chiếm mỗi ngày.
>> Chồng yêu người đồng tính bảy năm giờ tôi mới biết
Gần đây, nghĩ về điều này, tôi trào nước mắt, oán trách số phận, có những ý định về thời điểm tự giải thoát và cách giải thoát. Có lần dịp tết, mỗi sáng cơm nước xong tôi đều chạy xe hơn 20 km lên thành phố ngồi cà phê một mình đến tối vì không thể chịu được những sức ép, câu hỏi, lời hối thúc từ bạn bè và người thân. Nhìn đi nhìn lại, giờ bạn bè không có, một người tử tế làm người yêu cũng không, tương lai gia đình cũng vậy, đến lúc về già ốm đau không người chăm sóc. Tôi có thể làm được gì? Nói xã hội đã cởi mở nhưng không đâu, xã hội vẫn còn kỳ thị những người như tôi lắm. Thời gian chịu đựng có lẽ đã đến giới hạn, mong được bạn nào có cùng tâm trạng và nỗi băn khăn chia sẻ để cùng nhau vượt qua đoạn đường còn lại của cuộc đời này.
Vinh
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc