"Nhờ vậy, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đọc kết quả X-quang nhanh hơn, chính xác hơn, tránh bỏ sót tổn thương là điều rất cần thiết trong chẩn đoán bệnh ung thư ở giai đoạn đầu", PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết khi công bố ứng dụng AI vào sàng lọc ung thư, hôm 10/12. Chụp X-quang và siêu âm tuyến vú là các phương pháp được ưu tiên hàng đầu để sàng lọc ung thư cũng như các bệnh lý tuyến vú.
Hiện, Bạch Mai là nơi duy nhất thử nghiệm bộ giải pháp công nghệ y tế AI trong sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư vú. TS. Cơ cho biết công nghệ này mang lại những giá trị thực tế cho bệnh nhân và đội ngũ bác sĩ. Trước đây, các thông tin bệnh nhân phải được nhập tay nhiều lần qua từng công đoạn có nguy cơ xảy ra sai sót, quản lý hình ảnh chưa được thống nhất làm mất nhiều thời gian của bác sĩ.
Nay, ứng dụng AI, thông tin bệnh nhân và hình ảnh chụp được truyền đồng bộ trong hệ thống, từ đó giảm thời gian cho nhân sự vận hành, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. Đặc biệt, việc hiển thị kết quả nhanh, chỉ trong 20 giây sau khi chụp chiếu, giúp nhanh chóng khoanh vùng những khu vực nghi ngờ có nguy cơ bất thường ngay từ ban đầu.
Ung thư vú ngày càng gia tăng tại Việt Nam, bệnh nhân ngày càng trẻ hóa. Hiện, mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 183.000 trường hợp mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm gần 26% bệnh ung thư ở nữ giới, với gần 22.000 ca mắc mới và hơn 9.000 ca tử vong. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư vú lên tới 90%, sau 10 năm là 84%, nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu.
Ông Cơ cho biết mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trung bình hơn 5.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, tạo áp lực cho đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế đang làm việc tại đây. Vì vậy, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ 4.0, giải pháp trí tuệ nhân tạo vào khám chữa bệnh nhân là nhu cầu rất cấp thiết.
"Áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu và định hướng phát triển của bệnh viện", ông Cơ nói.
Lê Nga