Các chuyên gia đã đưa ra nhiều góc nhìn và giải pháp xoay quanh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực truyền thông tại hội thảo International Conference Media & Communication (ICMC) do Swinburne Việt Nam tổ chức. Sự kiện có chủ đề "Truyền thông kỹ thuật số: Con người, dữ liệu và công nghệ đổi mới".
Theo các diễn giả, không phải đến bây giờ, ngành truyền thông mới có thách thức. Tiến sĩ Alexander J. Klemm - Giám đốc điều hành Hiệp hội Nghiên cứu Truyền thông Đông Nam Á (SEAMSA) cho biết, UNESCO đã nỗ lực đưa ra nhiều hành động để chuẩn mực hóa đạo đức trong truyền thông và sử dụng AI.
Trong khi đó, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch hội đồng quản trị Le Bros cũng đưa ra vấn đề giao tiếp kém hiệu quả giữa AI và con người vì công nghệ này chưa thực sự hiểu được nhu cầu của nhân loại. Do đó, ba thách thức lớn nhất trong truyền thông hiện đại là khó tập trung, gián đoạn vì giao tiếp nhiều qua các nền tảng công nghệ và những định kiến sai lệch của xã hội.
"Công nghệ càng phát triển, nhu cầu kết nối giữa con người với con người của khách hàng đối với thương hiệu càng cao. Nếu không xem thương hiệu như một con người, chúng ta không thể tương tác với khách hàng, từ khía cạnh thương hiệu", ông nói.
Ở góc nhìn cơ hội, ông Nguyễn Thanh Sơn - Tổng giám đốc Học viện Doanh nhân MVV nhận định, ngành truyền thông có thể tận dụng AI để tạo ra người ảo (virtual influencer) như những đại sứ thương hiệu, có hoạt động trên mạng xã hội để thu hút sự quan tâm, gây ảnh hưởng truyền thông.
Ngành truyền thông có thể vượt qua thách thức về hiệu quả tương tác bằng sự sáng tạo và tính cách trong việc định hình những người có ảnh hưởng ảo hiệu quả. Theo nam diễn giả, việc tạo ra phiên bản ảo của các nhân vật nổi tiếng cho doanh nghiệp nhỏ đã tạo ra bức tranh tương lai, nơi các cá nhân có thể sở hữu trợ lý ảo. Đây là tiềm năng của AI trong các tương tác kỹ thuật số.
"AI bổ sung, không thay thế sự ảnh hưởng của con người", ông nhấn mạnh.
Bổ sung quan điểm, nhà sáng lập Pencil Group Nguyễn Tiến Huy khẳng định không thể đoán trước tương lai rằng AI liệu có thể thay thế được con người hay không. Thế nhưng, trong truyền thông, tập trung vào các giá trị cốt lõi lâu dài của con người vẫn là yếu tố quan trọng.
Hiện nay, xu hướng mọi người sử dụng AI ngày càng nhiều. Tuy nhiên, các quy định, chế tài về sử dụng AI vẫn còn hạn chế, mang lại khá nhiều rủi ro cho người dùng. Do đó, đây là thời điểm Chính phủ và cả người dùng cần có suy nghĩ, định hướng về cách sử dụng trí tuệ nhân tạo sao cho phù hợp.
Các chuyên gia cũng cho rằng, nếu làm truyền thông thiếu sự liên kết với con người, máy móc sẽ thay thế nhân loại. "Câu chuyện không phải có dùng AI hay không mà là dùng và kiểm soát như thế nào để phục vụ cho những sứ mệnh của con người, thay vì trở thành một nỗi sợ", ông Lê Quốc Vinh nói thêm.
Cuối hội thảo, các nhà khoa học cũng bàn luận về việc áp dụng công nghệ sáng tạo trong giáo dục - đào tạo. Các chuyên gia nhấn mạnh sự hợp tác ngày càng tăng giữa giới học thuật và ngành công nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách giáo dục và đáp ứng nhu cầu thị trường. Ví dụ như các dự án sinh viên giải quyết vấn đề trong thế giới thực và những nghiên cứu do Chính phủ ủy quyền, từ đó, đưa ra các chính sách nâng cao chất lượng cuộc sống.
TS. Mark Finn - chuyên gia cao cấp của Swinburne University of Technology quan điểm, ngành giáo dục cần thúc đẩy sự hợp tác giữa trường học và ngành công nghiệp để đạt được kết quả hiệu quả hơn. Giải pháp ứng dụng AI vào giảng dạy vào học tập giúp các đơn vị bắt kịp với ngành công nghiệp.
"Chúng ta cần kết nối chặt chẽ với ngành công nghiệp và xác định đúng nhu cầu của doanh nghiệp. Những điều sinh viên học ở trường cần đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp", ông nhấn mạnh.
Nhật Lệ