Đây là tiết lộ của bà Lê Thanh Tú, Giám đốc Tiếp thị Nestlé Waters Vietnam tại Hội nghị Thượng đỉnh MMA ALC Summit 2024 chủ đề "Cuộc cách mạng tiếp thị được thúc đẩy bởi AI", hôm 22/8 tại TP HCM.
Theo đó, chiến dịch của bà Tú sử dụng AI ở ba giai đoạn chính. Đầu tiên, họ dùng trí tuệ nhân tạo nội bộ để phác thảo bảng phân cảnh (storyboards) và các lựa chọn thiết kế chính, thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo. Cách này giúp họ tiết kiệm được 3 tuần và giảm chi phí 10 lần so với phương pháp tiêu chuẩn.
Tiếp theo, họ dùng Unikon AI (một nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo của Ấn Độ) nhận diện giọng nói và khuôn mặt người nổi tiếng, để tạo hơn 10.000 quảng cáo kỹ thuật số cá nhân hóa và thu hút 500.000 lượt thảo luận trên mạng xã hội. Cuối cùng, công ty ứng dụng AI từ YMT phát hiện ngữ cảnh và AI của YouTube để tăng tiếp cận và lượt xem. Việc này giúp họ đạt 90% mục tiêu người xem và giảm 20% chi phí tiếp cận so với thông thường. "Toàn chiến dịch ứng dụng AI giúp sản phẩm chúng tôi tăng thị phần thêm 3,7%", bà Tú nói.
Gần đây, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quảng cáo như cách Nestlé Waters Vietnam sử dụng đang nở rộ ở Việt Nam. Công nghệ này giúp khách hàng có thể thấy nội dung, hình ảnh, video được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI), đồng thời là công cụ giúp chiến dịch quảng cáo của các hãng, nhãn hàng đạt hiệu quả tiếp cận.
Saby Mishra, nhà sáng lập kiêm CEO MullenLowe Mishra - công ty dịch vụ tiếp thị và truyền thông (agency) - chỉ ra nhiều quảng cáo của các mặt hàng tiêu dùng, từ dầu gội đến sữa tắm gần đây đều có các công cụ AI đứng sau.
"Hầu hết các agency quảng cáo tại Việt Nam đều sử dụng GenAI", ông nói. Theo ông, trí tuệ nhân tạo dùng thực thi nhiều công việc (đọc dữ liệu, lập ý tưởng, thiết kế), giúp doanh nghiệp tập trung vào sáng tạo nhiều hơn.
AI phủ sóng mạnh mẽ vào ngành quảng cáo Việt Nam cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Brian Gabriel Del Val, Trưởng nhóm chương trình quảng cáo Greater Asia/India của HP cho hay hãng này đã dùng trí tuệ nhân tạo trong nhiều khía cạnh, từ tạo ra sản phẩm sáng tạo, dự đoán mô hình truyền thông, đến tự động hóa nhiều hoạt động.
Tại New Zealand, các giải pháp trí tuệ nhân tạo giúp Volvo tăng 477% tỷ lệ nhận thức thương hiệu và chuyển đổi số so với phương pháp truyền thống, theo Sachin Sharma - Giám đốc phát triển khách hàng The Trade Desk, nhà cung cấp giải pháp.
Hay ở Trung Quốc, Lan Shi - nhà sáng lập & CEO Cocafe cho biết AI thành lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt của nhiều doanh nghiệp mọi quy mô. "Khi sang Trung Quốc, bạn sẽ thấy mọi thứ từ các ứng dụng chính phủ đến doanh nghiệp đều có trí tuệ nhân tạo", bà Lan nói.
Các khảo sát gần đây cũng cho thấy giới doanh nghiệp Việt dần cởi mở với AI, tạo điều kiện cho công nghệ này ứng dụng vào ngành quảng cáo nói riêng và nhiều lĩnh vực khác nói chung. Báo cáo ứng dụng công nghệ trong kinh doanh 2024 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do Hiệp hội kế toán CPA Australia vừa công bố cho biết, cứ 10 doanh nghiệp được hỏi thì có 8 đơn vị nói đã sử dụng AI trong 12 tháng qua. Mức này cao hơn trung bình khu vực là 69%. Đa phần họ sử dụng công nghệ này vào một số thời điểm nhất định, nhưng dự báo tăng trong 12 tháng tới khi các doanh nghiệp tin tưởng hơn.
"Hầu hết mọi người khi dùng AI đều nhận thấy lợi ích của nó trong cải thiện hoạt động kinh doanh thông qua tăng năng suất, tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại và cải thiện độ chính xác của các tác vụ đó", bà Priya Terumalay FCPA, Trưởng đại diện khu vực Đông Nam Á của CPA Australia nhận định.
Khảo sát Thế hệ kế nghiệp (NextGen 2024) của PwC- nhà cung cấp dịch vụ kiểm toán, tư vấn thuế - cho thấy 82% lực lượng sẽ tiếp quản doanh nghiệp gia đình quan tâm tới GenAI và 67% xem đây là công cụ để chuyển đổi kinh doanh. Các lợi ích đem lại từ công nghệ này như tăng năng suất nhân viên (39%), tiết kiệm chi phí (39%) và nâng cao trải nghiệm khách hàng (36%).
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng AI không phải là "chìa khóa vạn năng" và doanh nghiệp đừng kỳ vọng quá cao khi ứng dụng. Quá trình triển khai công nghệ này cũng kèm theo nhiều thách thức, đầu tiên là chi phí. "Việc sử dụng AI thực sự không rẻ, đừng nghĩ rằng nó giúp tiết kiệm chi phí lớn", Rohit Dadwal - CEO MMA Global APAC lưu ý.
Đồng quan điểm, Shalu Wasu - CEO và đồng sáng lập Gimmefy nói sử dụng trí tuệ nhân tạo chuyên nghiệp và lâu dài thì "không rẻ chút nào". "Nhiều công việc cũ sẽ mất đi, chẳng hạn đội ngũ làm nội dung có thể giảm một nửa, nhưng số tiền đó sẽ được dùng để trả phí cho các công cụ AI", ông nói.
Để AI mang lại kết quả ưng ý đòi hỏi quá trình tương tác và huấn luyện lâu dài. Bà Lê Thanh Tú nêu kinh nghiệm phần lớn các công cụ trí tuệ nhân tạo sử dụng tiếng Anh, nên để chúng dùng tiếng Việt tự nhiên và thành thạo còn mất nhiều thời gian.
Cùng với đó, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để chạy quảng cáo trên nhiều kênh khác nhau mà không kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn đến rủi ro về an toàn thương hiệu. "Doanh nghiệp cần quản lý và dạy AI kỹ lưỡng vì chưa thể hoàn toàn thả chúng tự động xử lý mọi thứ", bà Tú nêu.
Chưa kể, nguồn gốc dữ liệu mà AI sử dụng không phải lúc nào cũng rõ ràng. "Cần thận trọng khi sử dụng trí tuệ nhân tạo trong tiếp thị vì phải tuân thủ các quy định của chính phủ và bảo vệ tài sản trí tuệ", bà Lan Shi của Cocafe lưu ý.
Ngoài ra, với ngành quảng cáo, AI có thể phân tích nhưng chưa tư duy, dự đoán hành vi khách hàng bằng chuyên gia con người. "Trí tuệ nhân tạo chưa thể hoàn toàn thay thế vai trò con người trong việc thấu hiểu sâu hành vi và dự báo tương lai", bà Tú nói.
Viễn Thông