Trần Quốc Toản hay Hoài Văn Hầu, sinh năm 1267 là một thiếu niên anh hùng, có công tham gia kháng chiến chống giặc Nguyên lần thứ hai. Ông nổi tiếng với chuyện bóp nát quả cam khi không được tham dự hội nghị Bình Than năm 1282 dành cho các vương hầu để bàn phương hướng kháng chiến với quân Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "Vua thấy Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Hoài Nhân Vương Kiện đều còn trẻ tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn khích, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết".
Sau khi từ bến Bình Than trở về, Trần Quốc Toản huy động hơn nghìn gia nô và người nhà thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ "Phá cường địch, báo hoàng ân" (phá giặc mạnh, báo ơn vua).
Tháng 5/1285, khi tham gia chống quân Nguyên Mông lần hai, đội quân của Thượng tướng Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản cùng một số quan binh khác, đã đánh bại quân giặc ở các xứ Kinh Thành, Chương Dương. Quân Nguyên Mông tan tác.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Khi đối trận với giặc, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám đối địch".
Nhiều sách sử của Việt Nam không đề cập chi tiết cái chết của Trần Quốc Toản, thời gian ông mất cũng chưa được thống nhất. Tuy nhiên, một số tài liệu cho rằng ông mất năm 1285, khi mới 18 tuổi. Đại Việt sử ký toàn thư chép "Đến khi Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản mất, vua rất thương tiếc, đích thân viết văn tế và gia phong tước Vương".
Dương Tâm (tổng hợp)