- Vì sao chị chọn dựng lại một vở kịch kinh điển của sân khấu Việt Nam vào dịp mừng năm mới 2008?
- Thực ra, tôi có ý định dựng vở này từ vài năm trước, nhưng đến giờ mới có cơ hội thực hiện. Trong năm 2007, tôi đã dựng Bàn tay của trời, vở kịch nói về sự "tráo sinh", trao đổi hai con người. Còn Hồn Trương Ba, da hàng thịt lại là sự "lầm tử", "bắt" chết nhầm người. Hai vở đều tạo cảm hứng sáng tạo cho tôi, vì tính trào lộng và ý nghĩa độc đáo của kịch bản.
- "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" mà chị dựng nhiều tiếng cười hơn, cảnh trí và trang phục của diễn viên được chăm chút khá kỹ. Còn những ý tưởng nào chị chưa thể hiện được vào vở diễn?
- Có vài cảnh tôi muốn sử dụng yếu tố kỹ thuật nhưng chưa làm được. Như tôi muốn khi vợ Trương Ba bay lên trời là bay từ phía khán giả lên sân khấu thay vì phải chạy bộ. Hoặc "xe mây" dành cho tiên trên thiên đình, nếu có thể sẽ để xe tự chuyển động thì thú vị hơn là để các tiên phải dùng chân chèo. Vì chưa làm được như ý muốn nên đôi chỗ đành thay thế bằng các màn hài hước.
Đạo diễn Ái Như. Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp. |
Ngay cả việc phải tắt đèn rồi loay hoay chuyển cảnh liên tục trong bóng tối như cách làm hiện nay cũng là một bất cập. Hồn Trương Ba da hàng thịt có khá nhiều cảnh chuyển từ trần gian lên thiên đình và ngược lại. Mỗi lần đổi cảnh, tôi cứ sợ đến khi đèn sáng lên rồi mà cảnh trí còn xộc xệch.
Không chỉ vở này, trong vài tác phẩm khác của mình, tôi rất muốn làm tăng không khí lãng mạn, bay bổng và huyền ảo, hay tạm gọi là mở "không gian 3D" cho sân khấu. Nhưng cuối cùng đành giảm ý muốn của mình xuống, vì điều kiện sân khấu nước ta chưa thể làm được những việc đó.
- Điều khiến chị hài lòng khi dựng lại "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"?
- Tôi hài lòng về một tập thể hết sức nhịp nhàng từ người đảm nhiệm hậu đài đến diễn viên. Tôi luôn nhận thấy rằng, những cộng sự làm việc trong một êkíp như cùng chung một chuyến tàu. Lúc đang thực hiện vở diễn cũng là lúc tàu khởi hành, chất đầy tâm sự, nỗi niềm nhắn gửi. Khi vở ra mắt khán giả là tàu đã đến được nhà ga đầu tiên. Sự ủng hộ, chào đón của mọi người khiến chúng tôi gắn kết với nhau hơn để tiếp tục hành trình.
Bản dựng đầu của vở kép dài hơn 3 giờ. Khi đem công diễn vào dịp Tết, chắc chắn tôi phải cắt ngắn hơn, gia giảm liều lượng cái hài cân đối hơn.
- Gần đây không ít vở trên sân khấu TP HCM xuất hiện nhiều cảnh sex, gợi cảm. Theo chị, yếu tố sex đóng vai trò thế nào với kịch?
- Nếu dùng yếu tố sex vào đúng hoàn cảnh, đúng thời điểm thì sẽ làm tăng tính hấp dẫn, như một thứ gia vị làm cho vở diễn thêm đậm đà. Trong các kịch của tôi, sex đều có chủ đích.
Nghệ sĩ Thành Hội (trái) trong một cảnh diễn "nóng" của vở "Hồn Trương Ba da hàng thịt". Ảnh: Anh Vân. |
Ví dụ, trong Bàn tay của trời tôi để các nhân vật nữ đều mặc áo, vận yếm chứ không có nịt ngực. Vì đây là vở kịch lấy bối cảnh cổ xưa. Mà thời đó thì ông bà mình đâu có mặc nịt ngực bao giờ. Trong vở này còn có cảnh nhân vật nữ phản diện (Ngọc Trinh đóng) cởi cả áo ngoài, chỉ mặc yếm và khoe tấm lưng trần trước khán giả. Đó là một cảnh để nhấn mạnh tính lẳng lơ của cô gái này, làm nền tôn vinh sự nền nã, cao đẹp của nhân vật nữ chính diện.
Hoặc là cảnh cô vợ hàng thịt khao khát hồn Trương Ba trong thân thể chồng mình cũng là một cảnh diễn bắt buộc phải có trong vở.
- Một đạo diễn đã nhận xét trong năm qua, sân khấu TP HCM vẫn chưa có gì mới, chị nghĩ sao?
- Sân khấu giậm chân hay không, chúng ta nói với nhau quá nhiều rồi. Thường thì nguyên nhân được mọi người tập trung vào là thiếu kịch bản hay, đạo diễn thiếu tài... Nhưng còn cái thiếu rất quan trọng là phương tiện, điều kiện vật chất. Kỹ thuật cũ mà đòi hỏi vở diễn phải luôn mới là điều rất khó.
Tuy vậy, tôi nghĩ người làm sân khấu khi đã biết đó là những khó khăn chung thì phải biết cách cùng sống với nó. Nếu đổ lỗi cho hoàn cảnh thì chẳng bao giờ sân khấu chúng ta có tác phẩm hay.
NSƯT Thành Lộc hóm hỉnh, "quậy tưng bừng" với vai ông tiên Đế Thích mê đánh cờ. NSƯT Thành Hội hóa thân thành công vào cả hồn lẫn xác Trương Ba. Đó là hai trong số nhiều nghệ sĩ đã thổi sức sống mới vào vở kịch kinh điển của tác giả Lưu Quang Vũ, do đạo diễn Ái Như dàn dựng trên sân khấu Idecaf, TP HCM. Tham gia vở kịch này còn có nhiều gương mặt khác như: NSƯT Kim Xuân, Ngọc Trinh, Tấn Thi, Lê Khánh, Đình Toàn... Vở diễn phục vụ khán giả từ mùng 2 đến mùng 10 Tết Mậu Tý (8-16/2). |
Thoại Hà thực hiện