Cờ vua được biết đến là một trò chơi có luật chơi khá cứng nhắc, tuy nhiên đối với Vladimir Kramnik, một trong những đại kiện tướng cờ vua số một thế giới, đây là một trò chơi có "vẻ đẹp" rất riêng. "Cờ vua là một môn nghệ thuật đầy sáng tạo", ông nói.
Tuy nhiên, kỳ thủ người Nga cũng thừa nhận rằng môn thể thao yêu thích của ông đang dần trở nên kém sáng tạo một phần do sự phát triển của công nghệ máy tính. Máy tính ngày nay với khả năng tính toán vượt bậc có thể tạo ra một thư viện khổng lồ chứa từng nước đi, từng chiến thuật phòng thủ của những kỳ thủ hàng đầu. "Ở những trận đấu cấp độ thế giới, một nửa số lượng nước cờ - nhiều trường hợp là tất cả nước cản - đều được chơi theo trí nhớ. Bạn thậm chí không chơi theo trí nhớ của mình mà dựa vào máy tính", Kramnik chia sẻ.
Gần đây, chính kiện tướng này đã giới thiệu ý tưởng "phục hồi nghệ thuật chơi cờ sáng tạo" bằng sự giúp đỡ của AI chơi cờ vua giỏi nhất thế giới. Tại phòng nghiên cứu DeepMind của Alphabet, Kramnik và các chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang sử dụng sức mạnh của AlphaZero để nghiên cứu 9 biến thể khác nhau của trò chơi cờ vua, tạo ra một cách chơi mới mẻ.
Năm 2017, AlphaZero đã chứng minh với thế giới nó có thể tự học khi chỉ dựa vào luật chơi nhưng đã đánh bại nhiều đối thủ AI khác trong cờ vua, cờ vây và cờ Shogi. Theo Kramnik, những kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy triển vọng về một trò chơi cờ vua phiên bản mới trong tương lai nếu nhiều người chấp nhận thay đổi một số luật chơi cơ bản.
Trên hết, dự án còn cho thấy mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa con người và máy móc. Nenad Tomašev, một nhà nghiên cứu tại DeepMind làm việc trong dự án cho biết: "AI này ban đầu được tạo ra để đánh bại những kiện tướng cờ vua. Nhưng bây giờ chúng tôi lại thấy một hệ thống như AlphaZero đang cùng với con người khám phá bộ môn cờ tướng sáng tạo".
Cờ vua được con người phát minh ra và chơi từ khoảng 1.500 năm trước và những thay đổi trong luật chơi không phải điều gì mới mẻ với trò chơi này. Cũng không phải lần đầu máy tính được cho là nguyên nhân khiến trò chơi này trở lên nhàm chán.
Cờ vua nhanh chóng được chơi rộng rãi ở nhiều quốc gia khoảng 500 năm trước nhờ vào sự ảnh hưởng của người phương Tây. Năm 1996, một năm trước khi Deep Blue của IBM đánh bại Kasparov, kỳ thủ người Mỹ Bobby Fischer đã tổ chức một cuộc họp báo tại Buenos Aires nhằm thúc giục quá trình cải tiến cờ vua, làm giảm khả năng ghi nhớ của máy tính và khuyến khích sự sáng tạo của người chơi. Tại buổi họp báo, Fischer cũng đã giới thiệu một biến thế của cờ vua với tên gọi "Cờ vua ngẫu nhiên Fischer". Phiên bản cờ của Fischer giữ nguyên các quy tắc chơi thông thường nhưng vị trí bắt đầu của các quân mạnh ở hàng cuối cùng là ngẫu nhiên. Việc sắp xếp ngẫu nhiên này làm cho việc có được một lợi thế thông qua việc nhớ khai cuộc trở thành không thực tế, khiến người chơi buộc phải dựa vào khả năng sáng tạo. "Cờ vua ngẫu nhiên Fischer", còn được gọi là Chess960, dần có được số lượng người chơi nhất định trong thế giới cờ vua và hiện đã có các giải đấu của riêng mình.
DeepMind và Kramnik đã khai thác khả năng machine learning của AlphaZero để tìm hiểu các biến thể mới nhanh hơn. Tomašev nói: "Bạn chắc sẽ không muốn dành nhiều tháng hoặc nhiều năm chỉ để chơi một thứ và sau cùng nhận ra rằng: Ồ, đây không phải là một trò chơi đạt yêu cầu".
AlphaZero chính là thế hệ kế nhiệm của AlphaGo, trí tuệ nhân tạo từng đánh bại Lee Sedo, nhà vô địch thế giới môn cờ vây. AlphaZero như tên gọi của mình sẽ bắt đầu từ gần như số 0, nó chỉ được học luật chơi, cách duy trì điểm số và được lập trình để luôn cố gắng chiến thắng. Ulrich Paquet, một nhà nghiên cứu khác trong dự án cho biết: "Khi bắt đầu học, nó chơi tệ đến mức tôi xấu hổ chỉ muốn đào hố mà chui xuống. Nhưng nhìn thấy nó phát triển từ con số 0 thật sự là một trải nghiệm thú vị".
AlphaZero ban đầu thậm chí không biết nó có thể lấy quân của đối thủ. Qua hàng giờ chơi liên tiếp với các bản sao của chính mình, nó dần trở nên có kỹ năng, và tự nhiên hơn. Trong quá trình tự học hỏi này, AlphaZero khám phá ra những ý tưởng, lối chơi cờ vua của con người cũng như thêm vào những nét mới của riêng nó. Kiện tướng người Anh Matthew Sadler mô tả việc nghiền ngẫm trò chơi của AlphaZero giống như "khám phá cuốn sổ ghi chép bí mật của một số kỳ thủ vĩ đại trong quá khứ".
Chín phiên bản hứa hẹn thay thế về cờ vua cổ điển mà AlphaZero đang thử nghiệm có Cờ vua không nhập thành. Loại cờ vua này giúp loại một thủ thuật gọi là nhập thành, cho phép người chơi giấu quân vua sau hàng bảo vệ của các quân cờ khác. Năm trong số các biến thể được thử nghiệm, bao gồm có cờ ngư lôi (torpedo chess) sẽ tập trung vào thay đổi cách di chuyển của các quân tốt, trong đó các con tốt có thể di chuyển tối đa hai ô cùng một lúc thay vì chỉ một ô trong nước đi đầu tiên.
So với cách chơi thông thường, các trận hòa ít xảy ra hơn trong cờ vua không nhập thành. Và việc phải học các luật chơi khác nhau cũng khiến AlphaZero thay đổi giá trị đặt trên các quân cờ: Theo luật chơi thông thường, AlphaZero xác định giá trị một quân hậu sẽ bằng 9,5 con tốt, nhưng theo luật chơi của cờ ngư lôi, quân hậu chỉ có giá trị bằng 7,1 con tốt.
Kramnik hy vọng "cuộc phiêu lưu" của AlphaZero với các thể loại cờ vua mới lạ sẽ giúp thuyết phục người chơi ở mọi cấp độ chơi thử chúng. "Đó là món quà của chúng tôi đối với thế giới cờ vua", ông nói.
Dự án của DeepMind và Kramnik cũng nhắm tới mục đích khuyến khích việc chơi cờ sáng tạo hơn, vì giờ đây máy móc đã nắm quá rõ các thủ thuật của chúng ta. Eli David, nhà nghiên cứu tại Đại học Bar-Ilan ở Israel, cho biết: "Thay vì làm cho máy tính chơi cờ vua giỏi hơn và hạ gục đối thủ con người, chúng ta có thể tập trung vào việc biến cờ vua thành một môn nghệ thuật dưới dạng trò chơi".
Trải nghiệm của Kramnik cho thấy rằng việc để con người làm việc cùng AI có thể mở rộng trải nghiệm cảm xúc cũng như kỹ thuật của trò chơi. AlphaZero đã đem lại cho Kramnik những kiến thức ngoài tầm hiểu biết rộng lớn của anh. "Sau ba nước đi, bạn chỉ đơn giản là không biết phải làm gì tiếp theo. Đó là một cảm giác tuyệt vời, giống như bạn là một đứa trẻ vậy", Kramnik nói.
Đăng Thiên (theo Wired)