Trước nguy cơ bị tha hóa về nhân cách và sự phiền toái do mượn thân xác kẻ khác, Trương Ba quyết định đem xác trả lại cho hàng thịt và chấp nhận cái chết. Trước đó, vở kịch có một đoạn đỉnh cao là sự đối thoại giữa linh hồn và thân xác Trương Ba.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Hiền, cuộc đối thoại này cho thấy con người ta có hai phần là linh hồn và thể xác, quan hệ hữu cơ với nhau.
Linh hồn có cơ sở vật chất là thể xác, cũng như nhận thức lý tính phải bắt đầu từ cảm tính; tình cảm hình thành từ những quan hệ cụ thể trong đời thường; cảm xúc thẩm mỹ phải dựa trên các cảm quan thị giác, thính giác...
Thể xác cũng có tính độc lập tương đối, có tiếng nói riêng, có nhu cầu tự nhiên hợp lý, không thể bỏ qua. Nhưng, linh hồn phải kiểm soát những nhu cầu đó, phải điều chỉnh, thăng hoa, "người" hóa, văn hóa hóa những nhu cầu ấy. Con người nói chung phải biết kìm hãm, tiết chế những nhu cầu bản năng và nếu cần biết đè nén, biết hy sinh nó.
Cuộc đấu tranh giữa linh hồn và thể xác thực sự là cuộc đấu tranh trong bản thân con người để làm chủ những nhu cầu và ham muốn, nhất là khi bị hoàn cảnh tác động. Đó là cuộc đấu tranh để làm chủ bản thân và hoàn thiện nhân cách.
Hành động chấp nhận cái chết, trả lại xác cho anh hàng thịt của Trương Ba là đúng đắn, dũng cảm và đạo đức. Trước khi kết thúc, tác giả còn đưa nhân vật vào cuộc thử thách cuối cùng, đặt nhân vật trước một sự lựa chọn: Chấp nhận cái chết hoặc nhập vào xác cu Tỵ - một em bé hàng xóm vừa chết.
Trương Ba không thể tái diễn bi kịch sống trong thân xác mượn của người khác: "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn". Vì thế, ông đã xin cho cu Tỵ được sống lại, còn mình thì xin được chết. Thực chất, đó là lời tái khẳng định của tác giả đối với quan niệm sống đẹp.
Theo sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2011), qua vở kịch này, Lưu Quang Vũ muốn gửi tới người đọc, khán giả thông điệp: Được sống làm người thật quý giá, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị của mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn.
Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải luôn biết đấu tranh với nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.
Câu 4: Ngoài soạn kịch, Lưu Quang Vũ còn hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nào?