Lục Vân Tiên là truyện thơ Nôm, thể lục bát, chưa rõ thời điểm sáng tác. Tiểu dẫn của sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 (tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) nêu, tác phẩm có lẽ được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác vào khoảng đầu năm 50 của thế kỷ 19. Lúc này, ông đã bị mù, đang dạy học và chữa bệnh cho người dân ở Gia Định.
Cốt truyện xoay quanh cuộc xung đột giữa thiện và ác, đề cao tinh thần nhân nghĩa, thể hiện khát vọng lý tưởng của tác giả và nhân dân đương thời về một xã hội tốt đẹp. Do đó, mọi quan hệ giữa con người đều thấm đượm tình cảm yêu thương, nhân ái.
Tác phẩm thuộc loại truyện Nôm bác học nhưng mang nhiều tính chất dân gian, ngay từ khi mới ra đời đã được nhân dân, nhất là người Nam Bộ đón nhận và lưu truyền rộng rãi. Đoạn mở đầu tác phẩm như sau:
Trước đèn xem truyện Tây minh,
Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le.
Hỡi ai lẳng lặng mà nghe,
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau.
Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình.
Có người ở quận Đông Thanh,
Tu nhân tích đức, sớm sinh con hiền.
Đặt tên là Lục Vân Tiên,
Tuổi vừa hai tám, nghề chuyên học hành.
Sách Từ điển tác giả, tác phẩm văn học dùng cho nhà trường (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2009) cho biết, truyện ban đầu chỉ được truyền miệng và chép tay, lưu hành trong môn đệ và những người mến mộ tác giả. Đến năm 1865, truyện được xuất bản bằng chữ Nôm, bản chữ quốc ngữ xuất bản năm 1897.
Từ đó đến nay có nhiều dị bản in, có khi thêm bớt cả trăm câu thơ, nhất là đoạn kết. Văn bản được nhiều người công nhận và sử dụng hiện nay gồm 2.082 câu thơ lục bát.
Câu 2: Người được Lục Vân Tiên cứu giúp đầu truyện và sau này nên duyên vợ chồng với chàng là ai?